Cộng đồng các dân tộc thiểu số trong lịch sử 550 hình thành, phát triển vùng đất Quảng Nam

Theo Nguyễn Thanh Dương/soyte.quangnam.gov.vn

Sau 550 năm kể từ khi danh xưng Quảng Nam ra đời (1471-2021), trãi qua nhiều biến cố lịch sử, cộng đồng các dân tộc thiểu số đã “chung lưng đấu cật”, “sát cánh kề vai” cùng các thế hệ lưu dân Việt xây dựng Quảng Nam thành vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, thịnh vượng về kinh tế, từng được mệnh danh là “Quảng Nam quốc”, “vùng đất mở” ngay từ thế kỷ XVII-XVIII. Với vị thế vốn có của mình, cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh luôn giữ vai trò đặc biệt và là một phần trọng yếu trong suốt 550 năm hình thành, phát triển của vùng đất Quảng Nam.

Đồng bào dân tộc Cơ-tu tham gia trình diễn nghệ thuật tại đô thị cổ Hội An trong Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số năm 2018 (Nguồn: Internet)
Đồng bào dân tộc Cơ-tu tham gia trình diễn nghệ thuật tại đô thị cổ Hội An trong Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số năm 2018 (Nguồn: Internet)

Quảng Nam như là một Việt Nam thu nhỏ về sinh thái và nhân văn, với sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, sự phong phú, đặc sắc về lịch sử và văn hóa cộng đồng. Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, Quảng Nam có vị thế đặc biệt, là đất phên dậu, “địa linh, nhân kiệt”, nơi hội tụ, đan xen và “bùng nổ” của nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XV, gắn với đại nghiệp mở cõi của cha ông, những tiên dân người Việt từ phương Bắc thực hiện công cuộc thiên di, đến định cư, lập nghiệp trên vùng đất xứ Quảng.

Về thành phần dân tộc, Quảng Nam là vùng đất có hơn 25 tộc người định cư sinh sống, với tổng dân số 1.495.812 người (năm 2019); trong đó, dân tộc kinh 1.355.222 người, chiếm 90,6%, các dân tộc thiểu số khác có 140.590 người, chiếm 9,4% dân số toàn tỉnh. Trong số các dân tộc thiểu số, 04 dân tộc định cư lâu đời trên vùng đất này có tổng số dân lên đến 132.060 người, chiếm tỷ lệ 93,9% tổng số người dân tộc thiểu số toàn tỉnh, gồm: dân tộc Cơ-tu (55.091 người), Xơ-đăng (47.268 người), Gié - Triêng (23.222 người) và dân tộc Co (6.479 người). Phần lớn các dân tộc thiểu số sinh sống ở 09 huyện vùng trung du & miền núi phía tây với hơn 136 nghìn người, chiếm 80,78% tổng số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, ở nhiều huyện tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 70% dân số, như: Tây Giang (91,4%), Nam Trà My (91,1%), Đông Giang (80,2%), Phước Sơn (72,1%).

Về nguồn gốc, cho đến nay những cứ liệu lịch sử để lại rất ít và đa phần bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Việt (chữ Hán - Nôm), Chăm, Lào... bởi các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam trước đây đều không có chữ viết. Tuy nhiên, qua kết quả khảo cứu của các chuyên ngành dân tộc học, nhân học, ngôn ngữ và văn hóa học, nhất là nghiên cứu các di sản văn học dân gian (folklore) có thể xác định các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam (đối với cư dân bản địa/tại chỗ) phần lớn có nguồn từ cộng đồng cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me, như dân tộc Cơ-tu, M’nông, Gié - Triêng, Xơ-đăng, Co, Ba Na... và một số tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo, như dân tộc Chăm, Êđê, Gia Rai...

Theo đó, phần lớn các dân tộc thiểu số Quảng Nam là những cư dân bản địa, có lịch sử định cư lâu đời trên mảnh đất này. Theo các kết quả nghiên cứu, các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me trên địa bàn tỉnh đều có mối quan hệ chặt chẽ về mặt nguồn gốc, lịch sử và văn hóa với người Chăm của vương quốc Chăm pa, người Lào của vương quốc Lạn Xạng (nước Lào ngày nay), người Việt của vương quốc Đại Việt và người Khơ me của vương quốc Campuchia. Khi nghiên cứu về sự hình thành các dân tộc ít người tỉnh Quảng Nam, cố giáo sư Đặng Nghiêm Vạn cho rằng: “So sánh một số nét văn hóa, ta thấy tổ tiên các cư dân miền núi Quảng Nam nói riêng và Môn - Khơ me nói chung gần gũi với tổ tiên các cư dân Việt- Mường”. Thực tiễn có nhiều minh chứng cho thấy về sự tương đồng trong đời sống văn hóa giữa cư dân vùng cao Quảng Nam với người Việt (người Kinh), nhất là về văn hóa tâm linh tín ngưỡng, như tục thờ thần hộ mệnh, thờ thần sông, thần núi, thần đá, thần cây; tục lệ đâm trâu, tục dựng cột hoa bông...; sự gần gũi trong quan niệm về thời gian, mùa vụ; sự gắn kết trong các tục lệ thăm viếng, hôn nhân, ma chay, trang phục, ngôn ngữ, kiến trúc nhà sàn, lễ hội cầu mùa, kiến trúc nhà ở... hay trong các trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian...

Trên cơ sở phân tích quá trình chia tách các nhóm tộc người, cố Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đi đến kết luận: “Các dân tộc miền núi Quảng Nam hiện nay là cư dân bản địa của miền trung Đông Dương, có quan hệ nguồn gốc với nhóm Việt- Mường. Tổ tiên họ cư trú ở một địa bàn rộng hơn. Sự có mặt của người Chàm (Chăm) đã tách tổ tiên họ với tổ tiên người Việt, thu hẹp lãnh thổ của họ về phía núi”[1]. Luận điểm này càng được củng cố qua các cứ liệu lịch sử về không gian định cư cổ của các dân tộc thiểu số, các di tích văn hóa Chăm, di chỉ khảo cổ học tại các huyện miền núi của tỉnh; qua hoạt động giao thương và mối quan hệ sát cánh bên nhau giữa người Thượng (đồng bào dân tộc thiểu số) với người Việt (người Kinh) trên mảnh đất này trong các thế kỷ XVI-XVIII.

Về không gian định cư, ngoài người Chăm trước đây có không gian định cư chủ yếu ở vùng đồng bằng phía đông của tỉnh, phần lớn các dân tộc thiểu số còn lại đều có không gian định cư cổ tại các vùng núi phía Tây. Trong đó, những dân tộc như Cơ-tu, Co và các nhóm Ca-dong, Bhnong định tại các vùng núi thấp nên có mối quan hệ sớm và thường xuyên với cộng đồng cư dân ven biển. Những địa danh như Ka-tang, Tí, Bường Rươm, Cà-nang, Bana, Vu Gia... đã chứng minh các tộc người thiểu số đã từng hiện diện trên địa phận các huyện Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Hòa Vang (Đà Nẵng)...

Dưới thời các chúa Nguyễn, “nguyên” là từ để xác định các vùng định cư của người Thượng, trong đó có nhiều nguyên nằm sát biển và các huyện vùng đồng bằng ngày nay, như: “Thu Bồn nguyên, một địa điểm khai thác vàng của thế kỷ 17 và 18 cách huyện Quế Sơn của Quảng Nam có 24km... hay Cu Đê nguyên cách huyện Hòa Vang có 5 km” [2]. Bên cạnh đó, các nguyên như Chiên Đàn nguyên, Ô-đa nguyên cũng được xác định nằm rất gần các huyện Hà Đông và Duy Xuyên thời bấy giờ. Ngày nay, tại một số huyện vùng trung du như: Tiên Phước, Đại Lộc, Hiệp Đức, Núi Thành (huyện đồng bằng, giáp biển) còn có các nhóm cư dân Cơ-tu, Co, Xơ-đăng, Gié - Triêng sinh sống. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu phân loại thành phần dân tộc, trên vùng núi phía Tây Quảng Nam hiện nay có 04 dân tộc được Nhà nước chính thức công nhận, gồm các dân tộc Cơ-tu, Xơ-đăng, Gié - Triêng và Co. Trong đó, dân tộc Xơ-đăng có các nhóm địa phương như Ca-dong, Mơ-nâm, Xơ-teng...; dân tộc Gié - Triêng có các nhóm như Tà-riềng, Ve, Bhnong...

Về cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung, mối quan hệ nguồn gốc giữa các thành phần tộc người ở Quảng Nam nói riêng còn nhiều vấn đề khoa học cần được nghiên cứu, bàn luận và làm sáng tỏ. Tuy nhiên, ngay từ thời tiền - sơ sử, các nhóm tộc người đã có mối quan hệ gần gũi với nhau, đều là hậu duệ của cộng đồng cư dân cổ Mã Lai (chủng Indonésien) xuất hiện trên vùng đất Đông Nam Á cổ đại khoảng 10.000 năm về trước. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài và đầy biến cố, một bộ phận cư dân đã di chuyển đến định cư tại những vùng đất xa xôi (ở phía Bắc) trong hàng nghìn năm rồi quay trở lại “cố hương” để lại một lần nữa cùng tụ hội, cộng cư sinh sống. Trong quá trình lịch sử, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có sự giao lưu, tiếp xúc với nhau về văn hóa, ngôn ngữ. Thậm chí giữa họ từ lâu đã diễn ra quá trình “chung đụng”, hòa huyết qua nhiều thế hệ. Quá trình giao lưu, tiếp xúc đó đã góp phần quan trọng hình thành nên những cộng đồng tộc người có nền văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo; vừa có điểm chung của không gian văn hóa núi rừng vùng Trường Sơn - Tây Nguyên trên cơ tầng văn hóa chung là văn hóa nông nghiệp Đông Nam Á, đồng thời vừa thể hiện nét riêng khác của môi sinh, nhân sinh vùng đất xứ Quảng, gắn liền với diễn trình hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Nam trong suốt 550 năm qua (1471-2021).

Tài liệu tham khảo:

[1]. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam (2005), Tìm hiểu con người miền núi Quảng Nam, Quảng Nam.

[2]. Li Tana (2014), Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.