Công nghiệp ôtô tăng trưởng nhờ… lắp ráp?
(Tài chính) Ngay cả trong lúc khó khăn, lượng tiêu thụ ôtô tại thị trường Việt Nam vẫn đều đặn tăng trưởng ở mức cao trên dưới 20%. Nhưng sự tăng trưởng doanh số của hãng xe và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam lại đang có khoảng cách quá lớn, đáng suy ngẫm!
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa công bố báo cáo bán hàng trong nửa đầu năm 2014, với những con số "ấn tượng". Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường 6 tháng năm 2014 tăng 31% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 65.389 xe. Trong đó, tiêu thụ xe ôtô tăng 36% và xe tải tăng 24%. Với tốc độ tiêu thụ này, VAMA kỳ vọng lượng xe tiêu thụ cả năm 2014 có thể tăng khoảng 18%, ước đạt 130.000 xe.
6 tháng: tiêu thụ tăng 27%
Riêng tháng 6, lượng xe tiêu thụ toàn thị trường đạt 11.884 xe (gồm 7.407 xe con và 4.477 xe tải), giảm nhẹ so với tháng 5. Đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp, doanh số bán hàng toàn ngành đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xe lắp ráp trong nước tháng 6 đã tăng 7% so với tháng 5, đạt 9.554 xe, trong khi lượng xe nhập khẩu (NK) nguyên chiếc giảm mạnh, tới 27%, chỉ 2.330 xe.
Báo cáo của VAMA cho thấy hãng xe Thaco hiện đang dẫn đầu thị trường ôtô Việt Nam, với doanh số tháng 6 đạt 3.489 xe, đẩy lượng xe tiêu thụ chung của 6 tháng qua lên 17.851 xe, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiếm thị phần lớn nhất (tỷ lệ 32,5%) trong nhóm thành viên VAMA, Thaco vẫn duy trì sản lượng tiêu thụ khả quan ở các dòng xe chủ lực, như: KIA và xe tải Hyundai (Hàn Quốc), Mazda… với tăng trưởng cao từ 37 - 230% trong 6 tháng qua.
Doanh số bán hàng của Toyota cũng cải thiện đáng kể, với 16.653 xe các loại, tăng 30,3% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2013. Một số hãng xe khác cũng có lượng xe tiêu thụ khả quan, cụ thể: hãng xe Honda bán được 3.238 xe (tăng 5,9%), hãng Ford là 5.264 xe (tăng 9,6%), GM Việt Nam là 2.467 xe (tăng 4,5%), Suzuki bán được 1.918 xe (tăng 3,5%), Isuzu là 905 xe...
Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, doanh số tiêu thụ của toàn thị trường ôtô Việt Nam đã có lúc bị sụt giảm mạnh, tới 33% (năm 2012) và chỉ tăng trở lại từ nửa cuối năm 2013 cho đến nay.
Năm 2013, lượng xe tiêu thụ hồi phục ở mức 110.519 xe (tăng 19% so với năm 2012) và năm nay, tiêu thụ xe có thể vượt mức dự báo là 130.000 xe. Nhất là từ đầu năm nay, chính sách giảm thuế suất thuế NK 50%, giảm lệ phí trước bạ ôtô tại 2 thị trường lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội xuống 10 - 12%... đã có ảnh hưởng tích cực tới sức mua của thị trường, hỗ trợ tăng doanh số bán hàng cho các hãng xe.
Sản lượng xe tiêu thụ tăng cao đương nhiên là điều đáng mừng với các nhà sản xuất, kinh doanh ôtô tại thị trường Việt Nam, nhưng với ngành công nghiệp ôtô thì vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Giấc mơ có xa vời?
Báo cáo bán hàng của hãng xe được VAMA cập nhật thường xuyên, chi tiết, nhưng số liệu và đánh giá về lượng tiêu thụ xe sản xuất trong nước lại khá ít ỏi. Số liệu mới nhất của VAMA cho biết đến hết tháng 6/2014, lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước tăng 24%, chỉ bằng 1/3 mức tăng của xe NK (tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái).
Kết quả này cũng phù hợp với thực tế tiêu dùng xe của người dân lâu nay, là ưa chuộng các sản phẩm, dòng xe nhập ngoại hơn, dù mức giá bán luôn cao hơn hẳn xe nội. Và, hoạt động hỗ trợ kinh doanh bán hàng của các hãng xe dường như đang có hiệu quả hơn với các dòng xe NK.
Thực tế cũng cho thấy ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam hiện còn quá "non trẻ", mới chỉ dừng ở mức độ lắp ráp, tiến hành 3 công đoạn chính (hàn, lắp ráp, tẩy rửa sơn). Nguyên nhân là do chưa có ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, thiết bị, máy móc động cơ… phát triển tương xứng để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) có thể làm ra những chiếc xe "Made in Vietnam" thực sự.
Mặc dù các nhà làm chính sách đã đặt mục tiêu sẽ tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ôtô, cụ thể lên 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 và cao hơn nữa, nhưng tỷ lệ này mới chỉ đạt ở mức 7 - 10% (đối với xe con).
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2020, Bộ Công Thương đã xác định, phải chú trọng đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ với lộ trình cho 20 năm tới.
Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015 sẽ định hình cơ bản ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất lắp, ráp ôtô, đến 2015 phấn đấu cung ứng 20 - 25% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu (XK). Và giai đoạn 2016 - 2020, tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo đến năm 2020 có thể cung ứng 40 - 45% linh kiện, phụ tùng… và nâng dần lên 50 - 60% vào năm 2030.
Tham vọng là Việt Nam sẽ XK linh kiện, phụ tùng và có vị trí trong chuỗi giá trị sản xuất của ngành công nghiệp ôtô ở khu vực và thế giới.
Thế nhưng, chỉ chừng 10 năm qua, ngoài việc tăng nhanh về số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực ôtô và nỗ lực tăng doanh số bán hàng thì sự đầu tư chiều sâu (về công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng, tăng tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị) để tăng sức cạnh tranh… vẫn còn là khoảng trống mênh mông.
Chưa có sự đầu tư thích đáng thì giấc mơ có ngành công nghiệp ôtô thực sự sẽ là quá xa vời.