Công tác phòng chống ma túy ngành Hải quan: Chủ động phá nhiều chuyên án

Theo customs.gov.vn

(Tài chính) Năm 2013, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, số vụ do cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Hải quan, bắt giữ tăng cao, nhiều vụ có lượng ma túy lớn nhưng tình hình không giảm. Lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy ngành Hải quan đã chủ động phối hợp và chủ trì bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy và đấu tranh thành công nhiều chuyên án.

Công tác phòng chống ma túy ngành Hải quan: Chủ động phá nhiều chuyên án
Cán bộ Hải quan chỉ đạo chó nghiệp vụ tập dượt kỹ năng phát hiện ma túy tại sân bay Đà Nẵng. Nguồn: customs.gov.vn
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin, cảnh báo phương thức thủ đoạn của tội phạm với các lực lượng chức năng đóng tại địa bàn. Đã xây dựng kế hoạch đấu tranh bắt giữ thành công nhiều vụ án ma túy lớn.
 
Đặc biệt, nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. Thường xuyên trao đổi thông tin với Văn phòng tình báo Hải quan khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hợp tác với Hải quan Đài Loan, Úc, cơ quan phòng chống ma túy Hoa Kỳ về trao đổi thông tin tội phạm, hợp tác với Hải quan Pháp, Úc trong tập huấn nghiệp vụ kiểm soát ma túy, huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện ma túy…
 
Trong năm 2013, toàn ngành Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện và bắt giữ 69 vụ, 99 đối tượng, tang vật thu giữ gồm: 55,548 kg heroin; 9,563 kg ma túy dạng đá và bột; 1,664 kg thuốc phiện; 37,238 kg cần sa; 18,600 kg tiền chất và hàng nghìn viên ma túy tổng hợp các loại…
 
Trong số 69 vụ phối hợp bắt giữ, có 28 vụ do lực lượng hải quan chủ trì bắt giữ 31 đối tượng, tang vật thu giữ là 15,550 kg heroin; 6,987 kg ma túy tổng hợp dạng đá và bột; 17,638 kgnhựa cần sa; 18,600 kg tiền chất và 2.635 viên ma túy tổng hợp các loại…
 
 Địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới đường bộ tại các khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai; trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào là các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và các tỉnh dọc biên giới Việt Nam – Campuchia.
 
Tuyến đường hàng không trọng điểm là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh. Tính riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, từ tháng 01/2013 đến 10/2013, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 09 vụ việc.
 
Tuyến đường biển được đánh giá là tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất về vận chuyển trái phép ma túy.
 
Các đối tượng cầm đầu là tội phạm ma túy có tổ chức chặt chẽ, hoạt động chuyên nghiệp, là người nước ngoài câu kết với tội phạm Việt Nam trực tiếp điều hành hoạt động hoặc cung cấp tài chính, nguồn hàng và giấu mặt. Các đối tượng này thường sử dụng phương thức thuê người nghiện ma túy, cư dân biên giới, những người khó khăn về kinh tế… tham gia vận chuyển.
 
Hiện loại ma túy chủ yếu vẫn là heroin và ma túy tổng hợp được vận chuyển trái phép từ Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan và Trung Quốc… qua biến giới, cửa khẩu vào Việt Nam, sau đó một phần được sử dụng trong nước, phần lớn được vận chuyển trái phép đi nước thứ ba qua đường hàng không, bưu điện và tuyến biển.
 
Trong những năm gần đây, tội phạm ma túy đang lợi dụng chính sách tạo thuận lợi cho du lịch, đầu tư, thương mại, thông thoáng trong thủ tục hải quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.
 
Dự báo trong thời gian tới, các đường dây ổ nhóm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia tiếp tục vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới bằng các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
 
Chính vì vậy, trong năm 2014, ngành Hải quan sẽ tiếp tục triển khai dự án tăng cường năng lực phòng, chống ma túy của Ngành giai đoạn 2012 – 2015, xây dựng và triển khai kế hoạch đấu tranh trên các địa bàn trọng điểm.
 
Bên cạnh đó, tăng cường thu thập, phân tích thông tin, tài liệu từ các nguồn trong và ngoài nước để kịp thời cảnh báo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai đấu tranh. Phối hợp với các lực lượng trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó tập trung vào việc trao đổi thông tin và đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kiểm soát ma túy và tiền chất.
 
Tổng cục Hải quan cũng có một số kiến nghị nhằm tăng cường năng lực đấu tranh phòng chống ma túy của ngành trong thời gian tới.
 
Trước hết là kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật tố tụng hình sự theo hướng quy định tăng thẩm quyền trong hoạt động điều tra về tội phạm ma túy cho cơ quan Hải quan trong việc thực hiện đấu tranh với tội phạm ma túy.
 
Ban hành cơ chế phụ cấp đặc thù với cán bộ chuyên trách phòng chống ma túy theo hướng đảm bảo động viên công chức trong thực thi công vụ và tương xứng với tính chất, mức độ rủi ro, nguy hiểm của công việc.
 
Đề nghị tiếp tục đầu tư trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng; xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu về ma túy, tiền chất… và tội phạm ma túy để tra cứu kịp thời; tổ chức nhiều các khóa đào tạo, tập huấn về thu thập xử lý thông tin, nghiệp vụ trinh sát…
 
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin tội phạm ma túy với các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Tam giác vàng, để sớm có thông tin nhằm ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với tội phạm ma túy.