Công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012

Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá

Trong những tháng cuối năm 2012, tình hình kinh tế xã hội trong nước và thế giới còn có nhiều khó khăn thách thức. Lạm phát có khả năng tăng cao do các nước đều có chính sách nới lỏng tiền tệ và áp dụng các gói kích thích kinh tế để đẩy mạnh tăng trưởng. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; nhu cầu và sức mua có khả năng thanh toán tăng theo quy luật trong các tháng cuối năm... cũng tác động gây sức ép tăng giá thị trường.

Công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012
Các bộ, ngành quyết tâm bình ổn giá cả những tháng cuối năm

Vì vậy, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai ngay Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012; trong đó các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần chú trọng các giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá như sau:

- Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, thuốc lá, khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Các Bộ: Y tế, Giáo dục và  Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo để giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá… đồng thời phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá đến sản xuất và đời sống nhân dân để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện.

- Bộ Tài chính, Bộ Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:

Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá; bên cạnh đó, cần chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.

Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế  thị trường có sự quản lý của Nhà  nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới, nhất là việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ; báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện.

Việc điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện thực hiện theo hướng bảo đảm bằng giá thành toàn bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành than, bảo đảm ổn định việc làm và đời sống người lao động.

Tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là trong dịp tết Nguyên Đán sắp tới; không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ; tích cực tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; kích thích tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới; hướng dẫn người dân thực hiện việc hỗ trợ thu mua nông sản, thủy sản theo đúng quy định, bảo đảm lợi ích của người sản xuất; đẩy mạnh việc phát triển kho dự trữ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, điều tiết thị trường; đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống lụt bão để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai.

- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm đầy đủ, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận của xã hội; tránh việc tuyên truyền quá mức hoặc thông tin không chính xác về hiện tượng tăng giá cá biệt gây hiệu ứng dây chuyền và tâm lý bất ổn trong dư luận xã hội.

- Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn; thực hiện rà soát các định mức kinh tế - kỹ thuật, đổi mới công nghệ và  tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, nhất là các mặt hàng mà doanh nghiệp có lợi thế.