Công tác thu nộp ngân sách nhà nước sau 1975: Những chuyện thú vị
Sau ngày thống nhất, nhiệm vụ chính của Đất nước là sớm hình thành hệ thống hành chính các cấp tại các tỉnh, thành vừa đi qua cuộc chiến tranh. Theo đó, ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh địa phận hành chính các tỉnh, thành từ Quảng Trị trở vào cho sát với thực tế.
Về thuế, ở miền Bắc vẫn tiếp tục thực hiện hệ thống pháp luật thuế đã ban hành từ trước có sửa đổi một chút cho phù hợp với tình hình mới; còn miền Nam, tạm thời áp dụng một số loại thuế cũ của chính quyền Sài Gòn trên cơ sở xóa bỏ một số sắc thuế không phù hợp, trong đó bổ sung áp dụng chế độ thu quốc doanh đối với xí nghiệp quốc doanh... Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu, nhằm đảm bảo nhu cầu chi tiêu tại chỗ, cấp bách trước mắt, trong đó có nhu cầu chi lương, vận hành hệ thống hành chính, ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với hệ thống thuế các cấp, sau ngày thống nhất, tổ chức bộ máy ngân sách cấp tỉnh ở miền Nam cũng sớm hình thành. Để tăng cường quản lý kinh tế, ngày 2/2/1976 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24-CP gồm 9 chương 25 điều, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế, trong đó có nhiệm vụ thu ngân sách (Chương IV, Điều 13).
Tiếp theo, ngày 3/5/1978, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/CP quy định trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện về quản lý tài chính, ngân sách. Theo Nghị quyết số 108/CP cơ chế hình thành nguồn thu ngân sách địa phương được mở rộng bao gồm các nguồn thu dành cho ngân sách địa phương 100% (thu cố định), thu điều tiết về thu quốc doanh, lợi nhuận của xí nghiệp trung ương, xí nghiệp địa phương và thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp... với tỷ lệ điều tiết do Chính phủ quy định được ổn định trong một thời gian.
Riêng ở miền Nam, tỷ lệ điều tiết được xác định mỗi năm một lần theo tiến độ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế tập thể và cá thể. Ngoài ra, ở một số tỉnh nếu thu cố định và thu điều tiết vẫn không đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chi thì ngân sách trung ương sẽ trợ cấp.

Tuy có những quy định về quản lý ngân sách khá rõ ràng, nhưng thời điểm đó, các nguồn thu từ thuế, phí đều nộp vào chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn, dẫn đến mỗi lần thống kê, quyết toán số thu gặp không ít khó khăn. Đôi khi không quyết toán được.
Trong khi đó, nhiều khoản chi cấp bách không thực hiện kịp thời, dẫn tới bê trễ công việc. Chưa kể, từ cơ quan hữu quan trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc quản lý, điều hành nguồn thu ngân sách địa phương. Khó khăn trong thu nộp và chi ngân sách ngày một lớn, kéo dài, kéo theo nhiều hoạt động trên địa bàn đình trệ, do không có tiền mặt chi tiêu. Theo thống kê được ghi lại, lúc đó một khoản thu được nộp vào ngân sách từ xã lên huyện, từ huyện nộp lên tỉnh mất 30 ngày, phải qua nhiều trung gian tầng nấc để đến bộ phận ngân khố thuộc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.
Tiếp đó, chứng từ nằm tại đây ngần ấy thời gian mới được thông báo đến cơ quan tài chính địa phương, từ đó, cơ quan tài chính mới lên kế hoạch chi cho các cơ quan khác. Đường đi của chứng từ, đồng tiền ngân sách dài và "loằng ngoằng". Vì vậy, trước nhu cầu chi tiêu cấp bách của một chính quyền vừa mới thành lập, nhiều xã thu được khoản thuế, phí không nộp lên huyện, huyện thu được cũng không nộp lên tỉnh mà để lại chi, báo cáo, quyết toán sau.
Hệ quả, là quan hệ giữa tỉnh với Trung ương trong việc điều hành thu - chi gặp nhiều khó khăn. Có nguồn thu nào “tốt”, “kha khá” từ xí nghiệp trung ương tỉnh giữ lại chi cho nhiều việc, kể cả chi lương, rồi báo cáo trung ương sau. Thời gian này, Trung ương cũng nắm được tình hình thực tế ở các địa phương phía Nam trong quản lý, thu - chi NSNN nhưng chưa đưa ra được quyết sách cuối cùng bởi nhiều lý do, dẫn đến tại các cuộc họp, hội nghị đã có nhiều ý kiến lên tiếng đề nghị thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Trước những bức xúc trong việc quản lý, thu và sử dụng nguồn thu ngân sách, sau khi tham khảo ý kiến từ cơ quan thuế vụ, tài chính trên địa bàn, hơn 10 năm sau, từ làn gió đổi mới, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng cuối năm 1988, Tỉnh ủy An Giang đã quyết định thành lập cơ quan ngân khố An Giang, tách ra từ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, chấp hành nghị quyết của Tỉnh uỷ, Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã thành lập một “tổ chuẩn bị” gồm những cán bộ có trách nhiệm, năng lực nghiên cứu soạn thảo chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy, sắm sửa cơ sở vật chất… cho cơ quan quản lý quỹ ngân sách của địa phương. Nguồn nhân lực chủ yếu lấy từ tài chính, thuế vụ, ngân hàng.
Mặc dù gặp không ít khó khăn song với tinh thần trách nhiệm cao, dám làm dám chịu “kỷ luật”, ngày 10/4/1989, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 69/QĐ.UB về việc thành lập Chi cục Ngân khố Nhà nước thuộc Sở Tài chính An Giang. Ba tháng sau đó, ngày 1/7/1989 hệ thống ngân khố từ huyện, thị đến tỉnh hình thành, đi vào hoạt động. Sau 9 tháng hoạt động thử nghiệm, Chi cục Ngân khố An Giang đã thu được những kết quả quan trọng: thu NSNN nhanh hơn, chi NSNN bám sát kế hoạch được duyệt; công tác điều hoà vốn đảm bảo chủ động và linh hoạt; công tác kế toán thanh toán được thực hiện kịp thời và thống nhất.
Về cơ bản, bước đầu mô hình hoạt động ngân khố An Giang đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý và điều hành NSNN. Thấy An Giang có cách làm mới, năm sau Kiên Giang tham khảo làm theo. Tiếng lành đồn xa, nhiều tỉnh, thành khác cũng đến An Giang, Kiên Giang khảo cứu kinh nghiệm. Mọi việc không dừng lại ở mặt tích cực khi đó đây bắt đầu xuất hiện nhiều bài báo phê bình địa phương tự động phá rào cơ chế. Tuy nhiên, vượt qua mọi dị nghị, địa phương vẫn kiên định với việc mình làm. Riêng Bộ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức (lúc đó là Thứ trưởng) sau khi về tỉnh kiểm tra, nghiên cứu đã mạnh dạn ủng hộ.
Hai năm sau, cũng từ luồng gió mát lành của Đại hội VI (1986), ngày 4/1/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 07/HĐBT tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là mốc lịch sử quan trọng lần thứ ba đối với sự ra đời hệ thống kho bạc cả nước.
Theo đó, lần thứ nhất, để có một cơ quan chuyên môn, đặc trách nghiên cứu và giải quyết các vấn đề ngân sách và tiền tệ, ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 75-SL thành lập Nha ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính. Lần thứ hai, để cụ thể hoá chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý Quỹ ngân sách Nhà nước sau khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước), ngày 20/7/1951, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 107/TTg thành lập Kho bạc Nhà nước đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính.
Thu thuế, thu và quản lý ngân sách nhà nước ở các tỉnh miền Nam sau ngày thống nhất, đường dài nghĩ lại bây giờ thấy nhiều điều thú vị./.