Công ty chứng khoán: Hiện trạng “sức khỏe” và con đường tương lai

Theo Đầu tư Chứng khoán

Trên 60% công ty chứng khoán (CTCK) thua lỗ 9 tháng đầu năm 2012, đã có CTCK bị âm vốn chủ. Tình trạng này có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Công ty chứng khoán: Hiện trạng “sức khỏe” và con đường tương lai
Thị trường càng thanh lọc, sức ép lên CTCK yếu càng lớn, càng là cơ hội cho những CTCK mạnh, có chiến lược phát triển bài bản

Sức ép giám sát chặt để phòng ngừa những tác động tiêu cực từ sự ra đi của một số CTCK đang đè nặng lên vai cơ quan quản lý.

Sống mòn

Thua lỗ vì tự doanh; thua lỗ vì nợ xấu do trong quá khứ đã cho khách hàng sử dụng đòn bẩy nhưng không đi kèm với việc tăng cường quản trị rủi ro và doanh thu môi giới thấp trong khi chi phí đầu tư hạ tầng, cơ sở công nghệ thông tin cao; thua lỗ vì doanh thu tư vấn không theo kịp chi phí bỏ ra... Cả 3 hoạt động chính của CTCK gần như không hiệu quả với đa phần các CTCK, ngoại trừ những CTCK có thị phần môi giới Top trên. Đối với nghiệp vụ còn lại là bảo lãnh phát hành, đa số CTCK thời gian vừa qua cũng không thu được phí với lý do quan trọng nhất là TTCK quá ảm đạm, ít có doanh nghiệp phát hành.

Đến thời điểm này, 3 CTCK đã bị ngừng hoạt động là: CTCK Hà Nội, CTCK Trường Sơn và CTCK Cao su. CTCK Golden Bridge bị đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán, CTCK SME bị rút nghiệp vụ môi giới, CTCK Tràng An bị đình chỉ hoạt động môi giới. Ngoài ra, có 9 CTCK đang ở trong vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt như: CTCK Sài Gòn Thương Tín (SBS), CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG), CTCK Mê Kông..., trong đó, SBS hiện bị âm vốn chủ sở hữu.

Danh sách trên là những CTCK có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng theo số liệu báo cáo ở mức dưới 120%, hoặc vi phạm quy chế thanh toán bù trừ tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Ngoài ra, theo con số tỷ lệ an toàn tài chính các CTCK đã công bố tính tại thời điểm 30/6/2012, vẫn có những CTCK thoát hiểm mong manh, với tỷ lệ an toàn vốn khả dụng ở mức vừa đủ để không bị kiểm soát đặc biệt, như trường hợp CTCK Beta (BSI), có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng… 121%.

Một số CTCK dù có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng không rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, nhưng vốn chủ sở hữu tính đến hết quý III/2012 hiện còn quá thấp như: CTCK Hồng Bàng (HBSC, 16,91 tỷ đồng), CTCK Tầm Nhìn (HRS, 22,6 tỷ đồng), CTCK Hùng Vương (HVS, 29,176 tỷ đồng), CTCK Á Châu (ASC, 35,2 tỷ đồng), CTCK An Thành (ATSC, 37,8 tỷ đồng)...

Trên thực tế, sự suy giảm mạnh và kéo dài của TTCK giai đoạn vừa qua đã khiến các CTCK bộc lộ nhiều điểm yếu. Ba vấn đề chính tồn tại trong hoạt động của các CTCK là: phát triển quá nóng dịch vụ nhằm đẩy mạnh hoạt động môi giới, cung cấp dịch vụ tài chính nhưng không kèm cơ chế giám sát rủi ro; năng lực tài chính chưa đủ lớn; và chất lượng nhân sự, hệ thống công nghệ không đủ tốt. Câu chuyện lạm dụng tài khoản tiền của NĐT đa phần có nguyên nhân từ tình trạng quản trị rủi ro ở các CTCK không tốt, trong khi CTCK tìm mọi cách phát triển môi giới, bất chấp việc vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Câu chuyện tại CTCK Tràng An, CTCK Golden Bridge là những ví dụ điển hình cho tình trạng này.

Xu hướng đào thải

Theo dự báo kinh tế vĩ mô 2013, nhiều khả năng, khó khăn toàn cầu vẫn còn kéo dài và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Điều này đồng nghĩa với nguồn thu của CTCK từ cung cấp dịch vụ môi giới đến hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục khó khăn. Sức ép cạnh tranh để tồn tại trong bối cảnh yêu cầu kiểm soát, rào cản kỹ thuật với CTCK cũng ngày một lớn.

Với những CTCK có vốn chủ sở hữu còn quá thấp, nguy cơ nối bước CTCK Hà Nội (HSSC, bị đình chỉ hoạt động) là điều có thể dự báo, nếu không có sự tham gia tiếp của các cổ đông hiện tại hoặc của cổ đông mới. Chưa kể, một loạt CTCK đang ở trong diện kiểm soát đặc biệt, mấp mé kiểm soát đặc biệt… cũng có thể sẽ phải đối diện với án phạt đình chỉ hoạt động.

Thống kê cho thấy, chi phí hoạt động bình quân của CTCK tối thiểu 1 - 2 tỷ đồng/tháng. CTCK càng lớn, chi phí hoạt động thường xuyên càng cao. Thế nhưng, vẫn có CTCK doanh thu cả năm không vượt quá mức 2 tỷ đồng (như trường hợp CTCK Tầm Nhìn, doanh thu 9 tháng đạt 1,352 tỷ đồng), hoạt động cầm chừng và thua lỗ ăn vào vốn chủ. Khả năng tồn tại lâu dài của các CTCK trong nhóm này, với bối cảnh TTCK yếu kém như hiện nay, gần như không thể.

Ngoài ra, theo Dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ban hành Quy chế thành lập và tổ chức hoạt động CTCK, những CTCK không thực hiện quản lý tách bạch tài sản NĐT (dưới dạng tài khoản tổng hoặc tách bạch tận chân tài khoản NĐT) trong thời hạn yêu cầu sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Như vậy, cùng với việc quản lý tách bạch tài khoản chứng khoán tận chân NĐT, quản lý tách bạch tài khoản tiền sẽ hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng tài sản NĐT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những trường hợp CTCK đang có tình trạng lạm dụng tài khoản NĐT mà chưa bị phát hiện, có khả năng sẽ sớm bị lộ diện; đồng thời, việc này cũng tạo sức ép đầu tư nâng cấp, cải tiến hệ thống công nghệ thông tin của CTCK.

Sức ép giám sát từ cơ quan quản lý

Hoạt động CTCK càng khó khăn, sức ép giám sát để phòng ngừa rủi ro cho NĐT tại các CTCK càng đè nặng lên vai nhà quản lý.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết, thông lệ trên thế giới là quản lý, giám sát hoạt động CTCK thông qua 3 công cụ: an toàn tài chính, cảnh báo rủi ro sớm và hệ thống kiểm soát rủi ro nội bộ. Hiện nay, Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính các tổ chức kinh doanh chứng khoán và Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 226 là công cụ quan trọng để giám sát an toàn tài chính CTCK. Đặc biệt, chế tài mới cho phép rút nghiệp vụ hoạt động của CTCK nếu vi phạm các quy định và không cấp phép lại đối với các trường hợp đã bị rút phép… sẽ tạo sức ép mạnh lên CTCK, buộc CTCK phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định hiện hành.

Điểm thứ hai đáng quan tâm là việc UBCK sắp đưa vào áp dụng thử hệ thống cảnh báo rủi ro sớm. Ông Sơn cho biết, hệ thống này áp dụng thuật toán, được điều chỉnh linh hoạt các hệ số rủi ro tùy theo diễn biến từng giai đoạn của thị trường…, sẽ góp phần lọc ra và cảnh báo sớm những CTCK nào có nguy cơ rủi ro. Kết quả áp dụng thử cho thấy, hệ thống cảnh báo chính xác đến khoảng 70%.

“Thông qua hệ thống cảnh báo này, chúng tôi sẽ làm việc với các CTCK, đặc biệt là những CTCK có lượng tài sản lưu ký của NĐT lớn để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi NĐT”, ông Sơn nói.

Công cụ thứ ba giúp tăng cường quản lý, giám sát CTCK là hệ thống kiểm soát rủi ro nội bộ, hiện đang được UBCK lấy ý kiến các thành viên thị trường. Kiểm soát nội bộ kém trong CTCK dẫn đến 2 vấn đề rủi ro, gồm rủi ro các khoản hỗ trợ tài chính khách hàng và rủi ro lạm dụng tài sản CTCK, tài sản NĐT của người hành nghề tại CTCK. Cơ quan quản lý cho rằng, hệ thống kiểm soát rủi ro hiện nay của CTCK đã có, nhưng không phải ở CTCK nào cũng được phát huy, nên kỳ vọng của UBCK là buộc xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro đủ mạnh, đủ mức ràng buộc trách nhiệm để đây thực sự là công cụ giám sát cho chính các cổ đông CTCK và NĐT.

Và cơ hội

Tuy nhiên, trong bức tranh khó khăn chung của TTCK, vẫn có những CTCK bật lên và ghi nhận kết quả kinh doanh lãi lớn như: CTCK FPT (FPTS), CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC), CTCK Sài Gòn (SSI)... Một số trường hợp cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan, như trường hợp CTCK Tân Việt, CTCK Kim Eng, CTCK Bản Việt… Đặc điểm chung của các CTCK này là tình hình tài chính tốt, thậm chí là rất tốt (đối với các CTCK trong nhóm lãi lớn), phát triển dịch vụ thận trọng, đặc biệt là hệ thống kiểm soát rủi ro tốt.

Những cú sốc của thị trường liên quan đến nhiều CTCK thời gian qua đã khiến NĐT có xu hướng chuyển tài sản của mình về những CTCK có uy tín tốt hơn. Điều này khiến những CTCK có thị phần lớn, tình trạng tài chính lành mạnh thu hút được ngày một nhiều khách hàng. Một thực tế là, trong khi hầu hết các CTCK thua lỗ trong hoạt động môi giới, thì nhiều CTCK trong Top 20 vẫn có thể kiếm tiền được từ hoạt động môi giới và dịch vụ tài chính đi kèm. Thị trường càng thanh lọc, sức ép cho CTCK yếu càng lớn, sẽ càng là cơ hội cho những CTCK mạnh, có chiến lược phát triển bài bản.