Công ty "xác sống" đe dọa kinh tế Trung Quốc
(Tài chính) Các nhà kinh tế học cho rằng nợ doanh nghiệp đã đến mức báo động và Trung Quốc cần nhiều thay đổi để giảm số đơn vị đang trong tình trạng "zombie" (xác sống).
Để kìm hãm đà suy giảm, những năm gần đây, chính quyền địa phương Trung Quốc đã gây sức ép lên các tổ chức tín dụng tiếp tục cấp vốn cho nhiều công ty bất chấp lợi nhuận cao hay thấp. Điều này đã tạo ra các doanh nghiệp theo kiểu "xác sống" (zombie) - gần phá sản vẫn được cứu trợ để duy trì hoạt động, hoặc chỉ tạo ra đủ lợi nhuận trả lãi mà không giảm được nợ gốc.
Theo số liệu của Standard and Poor's, sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt, thị trường nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc đã trở thành lớn nhất thế giới với quy mô 14.200 tỷ USD. Giới chuyên gia lo ngại quá nhiều tín dụng đã bị đổ vào các công ty làm ăn bê bết. Mà những doanh nghiệp này có thể không bao giờ trả được nợ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm.
Khảo sát của CNN cho thấy các nhà kinh tế học thường lo ngại về việc tăng trưởng tín dụng giảm sút. Nhưng giờ, họ chỉ thấy nợ doanh nghiệp mới là đe dọa lớn đến kinh tế Trung Quốc. "Nợ cao sẽ càng đẻ ra nhiều các công ty "zombie" làm ăn kém hiệu quả, kéo tụt nền kinh tế", Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics cho biết.
Khi kinh tế Trung Quốc đi xuống, lợi nhuận đầu tư của các công ty cũng giảm sút, JPMorgan cho biết. Họ cũng phải đối mặt với lãi suất cao, khiến việc trả nợ càng khó khăn.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã để xảy ra vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên. Một số công ty nhỏ khác cũng đang rục rịch nối gót. Đến nay, các chính sách giảm tăng trưởng tín dụng của chính phủ Trung Quốc gần như đã thất bại.
Một số công ty còn nghĩ ra những cách vay vốn phi truyền thống. Ví dụ, họ dùng đồng làm vật thế chấp. Nhưng cùng một kho đồng đó, họ dùng để vay nhiều khoản khác nhau, vượt trên cả khả năng chi trả.
Câu hỏi hiện tại với Bắc Kinh là làm thế nào giảm nợ mà không làm tổn hại nền kinh tế. Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Chính phủ cho phép công ty vỡ nợ là tín hiệu tích cực, cho thấy nước này vẫn đi đúng cam kết cải tổ theo hướng thúc đẩy tiêu dùng, thay vì dựa vào nới lỏng tín dụng.
Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng vẫn duy trì quyền lực với nền kinh tế, giúp Bắc Kinh giảm thiểu ảnh hưởng lên hệ thống tài chính. "Trung Quốc là trường hợp đặc biệt do có kiểm soát nhà nước, vì thế khủng hoảng tài chính khó xảy ra", Evans-Pritchard nhận xét.