CPI giảm: hiện tượng hiếm thấy

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Nếu có bỏ qua nhận định lần thứ hai trong năm chỉ số giá tiêu dung (CPI) bị sụt giảm thì với mức giảm 0.27% so với tháng trước của tháng 11, tức tháng gần cuối năm là điều hiếm thấy trong hơn 10 năm qua. Thậm chí CPI 11 tháng năm nay còn tăng thấp nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2002.

CPI giảm: hiện tượng hiếm thấy
CPI 11 tháng năm nay tăng thấp nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2002. Nguồn: internet
Trong 11 tháng qua, có 7 nhóm giá tăng cao hơn, 1 nhóm giá tăng thấp và 3 nhóm giá giảm, nhóm bưu chính viễn thông giá đã giảm từ nhiều năm nay, do kết quả của việc mở cửa hội nhập sớm nhất, có tính thị trường rõ nhất; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm do thị trường địa ốc chưa khởi sắc, trong khi sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng khá; nhóm giao thông vận tải sau 10 lần giảm giá xăng dầu đã rục rịch giảm giá cước; nhóm dịch vụ giáo dục tăng cao, nhưng do tỷ trọng trong CPI của nhóm này thấp (5,72%), nên tác động không lớn đến tốc độ tăng chung.
 
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân giá cả các nhóm hàng hóa thành phần thì diễn biến CPI tháng 11 tăng thấp còn do yếu tố chi phí đẩy, khi giá nhập khẩu tính bằng USD đã giảm 2 năm liên tiếp, 11 tháng 2014 giảm 2,38%; tỷ giá VND/USD tăng thấp trong gần 3 năm qua, nên giá nhập khẩu tính bằng VND 11 tháng năm nay vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2013; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1,5% so với cuối năm 2013; tốc độ tăng giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất và giá bán sản phẩm của người sản xuất không cao. Bên cạnh đó, quan hệ giữa cung và cầu đã chuyển từ cầu lớn hơn cung những năm trước kia, sang cầu thấp hơn cung từ mấy năm nay; Đã vậy, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã giảm liên tục từ mấy năm trước, sang năm nay lại tiếp tục giảm. Chưa kể, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại trong mấy năm liền; năm nay lại bị giảm đến gần giữa năm, gần đây mới tăng cao, nhưng phần quan trọng đã được dồn vào mua trái phiếu chính phủ và tính chung tốc độ tăng tín dụng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tiền gửi. Ngoài ra CPI giảm ít nhiều còn do yếu tố tâm lý e ngại nợ xấu, đầu tư thất bát nên cả doanh nghiệp và người dân đều “co cụm” để bảo toàn vốn.
 
Từ diễn biến 11 tháng và khả năng tăng trong tháng 12 tới đây, các chuyên gia dự báo CPI cả năm nay chỉ tăng dưới 3%. Nếu dự báo này đúng, thì đây là năm thứ 3 CPI liên tục chậm lại, thấp nhất trong 13 năm qua (trong đó có 2 năm 2002, 2003 nằm trong thời kỳ 1999- 2003 được coi là giảm phát); Tương ứng tốc độ tăng CPI thấp chưa bằng một nửa mục tiêu, và chỉ bằng một nửa tốc độ tăng GDP. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua, không chỉ gây bất ngờ cho các chuyên gia, mà còn cho các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô. 
 
Tuy nhiên, dù CPI tháng 11 giảm và dự báo cả năm 2014 tăng thấp, nhưng Việt Nam chưa thể rơi vào giảm phát, bởi CPI tính theo năm vẫn còn cao hơn tốc độ tăng giá “chuẩn” của thế giới (khoảng 2,5%). Thế nhưng, việc cần ưu tiên nhất lúc này là kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bằng việc hạ lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.