CPI tăng nhẹ: Hoài nghi về khả năng kinh tế phục hồi?

Theo kinhtevadubao.vn

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 6 tăng trở lại với mức rất nhẹ, 0,05%. Chỉ số này làm dấy lên những ý kiến trái chiều, một mặt, thể hiện những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, mặt khác, dự báo về khả năng hồi phục kinh tế là rất khó khăn.

CPI tăng nhẹ: Hoài nghi về khả năng kinh tế phục hồi?
CPI cả nước trong tháng 6 tăng trở lại với mức rất nhẹ - 0,05%. Nguồn: Internet

Hai “đầu tàu” tăng nhẹ

Theo số liệu Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh và Cục Thống kê Hà Nội, CPI tháng 6/2013 đã tăng lần lượt 0,12% và 0,08% so với tháng trước.

Cụ thể, tại Hà Nội, CPI tháng 6/2013 của thành phố Hà Nội đã tăng 1,74% so với tháng 12/2012. Có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so tháng trước khiến CPI tháng 6 đã tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 5,43% so cùng kỳ và tăng 1,74% so tháng 12/2012. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm văn hoá, giải trí và du lịch (tăng 0,62%), tiếp theo là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,41%). Duy chỉ có nhóm giao thông giảm 0,22% so với tháng trước.

Đáng chú ý, do đang ở chính vụ thu hoạch nên nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả tương đối ổn định, bên cạnh đó, giá gạo vẫn có xu hướng giảm khiến cho chỉ số giá nhóm lương thực giảm 0,01%. Riêng mặt hàng đồ uống giải khát là tăng giá do đợt nắng nóng khiến cầu tiêu dùng mặt hàng này tăng cao.

Chỉ số giá vàng tiếp tục giảm mạnh 3,93% và chỉ số giá USD tăng nhẹ 0,34% so với tháng trước.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, CPI tháng 6/2013 đã tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,78% so với tháng 12/2012. Có 5 nhóm hàng trong rổ hàng hóa có mức giảm, 3 nhóm không tăng và chỉ có 3 nhóm tăng, tuy nhiên mức tăng mạnh đã kéo chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 0,12%.

Cụ thể, nhóm hàng văn hóa, giải trí, du lịch có mức tăng mạnh nhất ở mức 0,57%, kế tiếp là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%. Trong đó thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng lần lượt là 0,43 và 0,40%. Đồ uống, thuốc lá tăng thêm 0,27% trong khi giày dép, mũ nón cũng có mức tăng 0,26%.

Không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI, trong tháng, chỉ số giá vàng giảm 2,06%, trong khi chỉ số đô la Mỹ tăng 0,02% so với tháng trước.

Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng của cả 2 đầu tàu kinh tế đã tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp do sự giảm giá lương thực ít đi và một số mặt hàng khác tăng nhẹ.

CPI cả nước tăng 0,05%

Cụ thể, CPI tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng tháng năm 2012. Như vậy, tính từ đầu năm, CPI đã tăng 2,4% và bình quân tăng 6,73% so với 6 tháng đầu năm 2012.

Với diễn biến giá cả trong tháng 6, nhìn tổng thể, không có sự đột biến nào xảy ra như những tháng trước. Các nhân tố gây đột biến trong các tháng trước như: dịch vụ y tế, xăng dầu đều phản ánh bình ổn trong tháng. 

Dịch vụ y tế không đổi so tháng trước, giá xăng dầu giảm trong tháng trước làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,09%. Việc tăng giá xăng dầu ngày 14/6 vừa qua chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này. Diễn biến giá cả của các nhóm hàng khác tương tự diễn biến trong tháng trước. 

Nguyên nhân dẫn đến việc CPI tháng này tăng chủ yếu là do chỉ số giá nhóm hàng có quyền số cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này có mức giảm ít hơn tháng trước. Cụ thể, sau khi giảm 0,35% vào tháng trước, tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ giảm 0,07%, trong đó lương thực giảm 0,6%, thực phẩm giảm 0,03% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,29% so với tháng trước.

Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ đầu năm bởi quyết định của ủy ban nhân dân một số tỉnh thành phố đã đóng góp gần 1% vào mức tăng CPI chung. Phần còn lại, yếu tố mùa vụ đóng vai trò chủ yếu, góp phần vực dậy con số CPI trước thực tế nhu cầu có khả năng thanh toán của người dân đã giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Sau hai lần giảm vào tháng 3 và 5 cộng với lần tăng vào tháng 4 chủ yếu nhờ vào quyết định hành chính, không phản ánh chính xác xu hướng biến động giá của thị trường, thì việc chỉ số giá tăng nhẹ trong tháng này cũng là một tín hiệu tích cực cho những người lạc quan, đặt niềm tin vào sự phục hồi kinh tế sau những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua. 

Giá cả tăng thấp cũng là một điều tốt cho đời sống dân cư bớt khó khăn và cũng tạo cơ hội cho các chính sách của Chính phủ có dư địa để phát huy được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bộc lộ những hoài nghi về sự phục hồi kinh tế qua góc nhìn chỉ số giá. Xét trong 6 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng được 2,4% so với tháng 12 năm trước, thấp nhất kể từ năm 2003, trong đó, đóng góp của các yếu tố thị trường chiếm gần một nửa.

Theo đai biểu Quốc hội Trần Du Lịch, liều lượng chính sách kiềm chế lạm phát đã có phần thực hiện "quá tay". Với sự suy giảm tổng cầu của nền kinh tế như hiện nay, khả năng lạm phát cao trở lại là không thể. Do vậy, về chính sách tài khóa, có thể xem lại kế hoạch bội chi ngân sách, để nới lỏng chính sách này cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần tính đến những giải pháp kích thích cho lạm phát để chỉ số này có tác động tích cực hơn cho nền kinh tế và giúp doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, liều lượng kích thích như thế nào, phương pháp thực hiện ra sao lại cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh lạm phát tăng trở lại.

 Với những diễn biến trong 6 tháng đầu năm nay, CPI cả năm có thể chỉ tăng khoảng 5-6%, dưới mục tiêu của Quốc hội đề ra và thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây./.