Cửa mở cho… quỹ đóng

Theo Đầu tư Chứng khoán

Khối công ty quản lý quỹ nội địa đã bước vào một cuộc đua ngầm để chuẩn bị thành lập quỹ mở sau khi Thông tư 83 ra đời tạo hành lang pháp lý cho mô hình này hoạt động.

Cửa mở cho… quỹ đóng
Chuyển sang quỹ mở, giá trị tài sản ròng và thị giá của chứng chỉ quỹ sẽ ở trạng thái cân bằng hơn

Quỹ Đầu tư năng động (VFA) dự kiến mang diện mạo mới vào tháng 4/2013 có thể sẽ trở thành cái tên đầu tiên.

VFA: 4 tháng để thay “chất”

Sau khi được đồng ý về mặt chủ trương tại Đại hội nhà đầu tư (NĐT) thường niên đầu năm nay, dự kiến ngày 5/12 tới, VFA sẽ nhóm họp thông qua phương án chuyển đổi mô hình từ quỹ đóng sang quỹ mở. Với cơ cấu cổ đông khá đặc thù - phần đông chứng chỉ quỹ (CCQ) VFA được nắm giữ bởi NĐT tổ chức và NĐT cá nhân lớn, có thể dự báo, đại hội bất thường của VFA sẽ chỉ mang ý nghĩa thủ tục.

Trong tài liệu chi tiết về phương án chuyển đổi, Ban quản lý Quỹ dự kiến thời gian mất khoảng 4 tháng. Cụ thể, dự kiến 3 tuần sau đại hội, VFA sẽ làm thủ tục hủy niêm yết tại HOSE. Sau đó, thực hiện các bước kỹ thuật dọn đường cho việc chuyển đổi. Vào đầu tháng 3 năm sau, VFA sẽ công bố thông tin về đại lý phân phối, ngày giao dịch, giá trị tài sản ròng… Dự kiến, vào ngày 12/4/2013, VFA sẽ xuất hiện tại bàn làm việc của các đơn vị làm dịch vụ chuyển nhượng (theo quy định, CCQ mở không được niêm yết).

Theo CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) - đơn vị quản lý Quỹ VFA, trước mắt, dự kiến NĐT chỉ được phép giao dịch CCQ 2 lần/tháng. Để có thể giao dịch, NĐT phải mở một tài khoản riêng tại đơn vị làm dịch vụ chuyển nhượng. Nếu quan tâm đến sản phẩm này, một số thói quen của giới đầu tư sẽ thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, để mua CCQ mở, NĐT sẽ phải ghi phiếu lệnh có xác nhận trực tiếp về số tiền (trong trường hợp mua) và CCQ (trong trường hợp bán), thay vì ngồi một chỗ và đặt lệnh… online tiện dụng như hiện nay.

Trong khi đó, phí giao dịch không hề thấp, tùy theo khung thời gian giới đầu tư nắm giữ CCQ mà mức phí này rất khác nhau. Ví dụ, trong trường hợp NĐT sở hữu CCQ dưới 12 tháng, thì phí giao dịch mua lại phải trả cho công ty quản lý quỹ lên tới 2% giá trị giao dịch, nếu trên 2 năm thì phí giảm xuống chỉ còn 0,5%.

Đặc biệt, với VFA, NĐT đặt mua CCQ nhưng sẽ không biết là sẽ được mua với mức giá nào, mà chỉ rõ sau thời hạn chốt sổ. Tương tự, nhiều thói quen khác sẽ phải thay đổi với sản phẩm quỹ mở, bù lại, giá trị tài sản ròng và thị giá của CCQ sẽ luôn được duy trì ở trạng thái cân bằng - điều không CCQ đóng nào có thể làm được.

Sức ép ẩn mình

Trong buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Quản lý quỹ mới đây, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nguyễn Đoan Hùng nhấn mạnh, quỹ mở là xu hướng tất yếu tại Việt Nam, vì trên thế giới, 95% các quỹ đang hoạt động theo mô hình quỹ mở. Sau VFA, VFM cũng lên kế hoạch chuyển đổi VFMVF4 thành quỹ mở. Các đối thủ khác của VFM cũng không đứng ngoài cuộc: Quỹ Đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFBF1) dự kiến tại đại hội NĐT thường niên năm tới sẽ trình kế hoạch chuyển đổi; Công ty Quản lý quỹ EastSpring Investments lên kế hoạch thành lập quỹ mở vào năm 2013, MB Capital xin cấp phép thành lập quỹ mở về trái phiếu…

Như vậy, quỹ mở sắp xuất hiện tại TTCK Việt Nam, nhưng lộ trình của mô hình mới không hoàn toàn bằng phẳng. Đơn giản vì thị trường vẫn đang trong chu kỳ đi xuống kéo dài. Mọi sản phẩm tài chính tiên tiến dù ưu việt nhưng đều gặp thách thức khi giới đầu tư chứng khoán vốn bị thiệt hại nặng nề những năm qua, hiện không mấy quan tâm đến TTCK nói chung và đến sản phẩm quỹ nói riêng. Cũng chính VFM hồi đầu năm nay đã lên kế hoạch chuẩn bị thành lập quỹ mở VFM 30, nhưng cuối cùng đã phải tạm hoãn do thị trường diễn biến xấu.

Trong khi đó, nhiều NĐT tổ chức cho rằng, chính sách thuế hiện nay chưa hỗ trợ mô hình quỹ mở. Với các NĐT lớn khi bỏ vốn cho quỹ đầu tư quản lý mà thuế cao hơn đầu tư trực tiếp liệu có khuyến khích giới đầu tư có tiềm lực tham gia? Theo thông lệ quốc tế, thời gian đầu, để thu hút NĐT thì cần một số chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế. Việt Nam hiện chưa có cơ chế này.

Trình độ hiểu biết của giới đầu tư về sản phẩm mới cũng là một thách thức. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ĐTCK cách đây một năm, khi Công ty Quản lý quỹ Prudential đổi tên thành EastSpring Investments, ông Henk Ruitenberg - Tổng giám đốc EastSpring Investments nhắc đi nhắc lại rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, sự thành công của mô hình mới gắn với việc đào tạo và trang bị kiến thức cho giới đầu tư. Nhiệm vụ này không thể hoàn thành trong một vài năm, mà có thể kéo dài tới 5 - 10 năm, chứ không thể nóng vội .

Tuy nhiên, chuyển động tích cực đáng chú ý trong ngành quản lý quỹ gần đây là bất chấp bức tranh màu xám của ngành, hoạt động đi “săn” công ty quản lý bắt đầu nhộn nhịp. “Thợ săn là những người có tiền mặt và đang muốn thử nghiệm mô hình mới. Suy cho cùng, việc bỏ ra 50 tỷ đồng (quy mô tối thiểu của một quỹ mở) để thử nghiệm không phải là quá sức với nhiều tay chơi lớn nội địa”, ông Nguyễn Văn Dương, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ An Phúc nhận định.