Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn: Chủ động, linh hoạt giúp doanh nghiệp vượt khó

Theo HNM

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc đồng thời hoàn thành hai mục tiêu hỗ trợ DN duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và hoàn thành mục tiêu thu NSNN là thách thức lớn đối với ngành thuế Hà Nội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ DN, khai thác tốt nguồn thu và chống thất thu NSNN là những giải pháp mà ngành thuế Hà Nội sẽ tích cực triển khai trong những tháng cuối năm.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Phi Vân Tuấn: Chủ động, linh hoạt giúp doanh nghiệp vượt khó
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho các doanh nghiệp tại Chi cục Thuế Hai Bà Trưng. Ảnh: Hồ Ý

Từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn. Nhiều DN rơi vào tình trạng hụt hơi do chi phí đầu vào tăng cao, sản phẩm làm ra tồn đọng, không ít DN thiếu vốn để duy trì hoạt động SXKD. Báo cáo mới nhất của Cục Thuế TP Hà Nội cho thấy, 8 tháng qua, trên địa bàn Hà Nội có 47.574 DN sụt giảm doanh thu, tăng 94% so với năm trước. Đáng lo ngại, có 50.713 DN kê khai lỗ thuế thu nhập DN khiến số DN báo lỗ tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế suy giảm, hoạt động SXKD giảm sút đã khiến việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn. Điều này thể hiện qua tiến độ thu 8 tháng đầu năm không ổn định và có xu hướng giảm dần. Ước tính, thu nội địa trên địa bàn chỉ đạt 79.486 tỷ đồng, bằng 59,2% dự toán pháp lệnh và 58,7% dự toán Hội đồng nhân dân giao.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Thanh Xuân cho biết: Nhiều DN trên địa bàn sản xuất cầm chừng hoặc giải thể. Thêm vào đó, tại một số tuyến đường trên địa bàn quận, như đường Trường Chinh, Khương Hạ đang giải tỏa cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến số thu ngoài quốc doanh của đơn vị. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Chi cục Thuế Thanh Xuân đã phối hợp đồng bộ với ngành chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách và đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đối với các tổ chức, DN cố tình trây ỳ trốn thuế, chi cục đã có thông báo cưỡng chế thuế thông qua biện pháp trích tiền gửi tại ngân hàng và cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Công tác quản lý, kê khai cũng được đơn vị đặc biệt chú trọng qua việc thường xuyên rà soát, đối chiếu mã số thuế các DN nhằm giám sát chặt chẽ mọi biến động ngừng, nghỉ kinh doanh của DN để có giải pháp đôn đốc thu kịp thời.

Tại Chi cục Thuế Từ Liêm, nguồn thu của đơn vị cũng giảm mạnh do những khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó số thu thuế ngoài quốc doanh giảm 26%, các khoản thu từ phí và lệ phí giảm trên 70%. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện thành lập 2 tổ công tác chuyên trách để rà soát đánh giá nguồn thu, kiểm soát, chống thất thu trên địa bàn, đồng thời đôn đốc thu thuế đạt hiệu quả…

Cùng với việc quản lý, khai thác tốt nguồn thu, Cục Thuế TP Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN khôi phục hoạt động SXKD. Ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, để giúp DN vượt qua khó khăn, Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các giải pháp giãn giảm thuế, kiến nghị với thành phố lập các quỹ hỗ trợ để DN có thêm nguồn vốn ổn định SXKD. Cơ quan thuế đã kiến nghị các ngành chức năng mở gói kích cầu thông qua đầu tư công, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chương trình bán hàng bình ổn giá, đưa hàng bình ổn giá về khu vực ngoại thành, giúp DN giải phóng hàng tồn kho, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, từng bước phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Cục Thuế Hà Nội luôn xác định nhiệm vụ thu phải đi đôi với công cuộc cải cách, hiện đại hóa và tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho DN.

Ngành thuế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, qua đó giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế. Công tác ủy nhiệm thu qua ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng ra các quận, huyện góp phần giảm thiểu việc đi lại của người nộp thuế.

Từ nay đến cuối năm, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với VietinBank triển khai việc nộp thuế điện tử để cuối năm 2013 có thể mở rộng, qua đó góp phần giảm một số thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN tập trung toàn lực vào hoạt động phát triển SXKD, tạo nguồn thu ổn định cho NSNN.