Củng cố trụ cột nông nghiệp, bảo đảm ổn định kinh tế trong giai đoạn khó khăn
Trong điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng xuất khẩu đều đặn và được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện vẫn chưa được đầu tư đúng mức và chứa đựng nhiều rủi ro.
Theo Bộ Công thương, những khó khăn của các thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,25 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 15,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như rau quả tăng 8,6%; chè các loại tăng 5,0%; hạt tiêu tăng 13,2%... Một số sản phẩm có kim ngạch giảm như: thủy sản giảm 4,8%; cà phê giảm 13,7%; cao su giảm 20,6%.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Phan Thị Diệu Hà cho biết, hiện giá bình quân của hầu hết mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu giảm hơn so với cùng kỳ. Cụ thể giá nhân điều giảm 10,3%; cao su giảm 11,0%; giá hạt tiêu giảm 2,8%; gạo giảm 6,1%. Đối với các mặt hàng thủy sản, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản đều có những khó khăn khiến cho kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, hàng xuất khẩu cũng gặp phải các rào cản về thuế quan, hàng rào kỹ thuật làm cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thêm khó khăn. Đơn cử, Hoa Kỳ hiện đang điều tra chống trợ cấp sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Bộ Công thương phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan trong công tác kháng kiện và theo dõi, cập nhật diễn biến, thông tin vụ việc, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Giá các mặt hàng nông lâm thủy sản giảm, mặt tích cực là đã góp phần quan trọng vào kiềm chế lạm phát, song cũng đã đẩy bộ phận không nhỏ người dân vào hoàn cảnh điêu đứng. Thị trường khó khăn, giá bản giảm trong khi giá đầu vào tăng cao đã khiến nhiều hộ sản xuất không có lợi nhuận. Hơn nữa, tình hình hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và diễn biến dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi đang tiếp tục tạo ra những rủi ro không nhỏ cho ngành nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ dường như chỉ tập trung vào hỗ trợ nhân dân sản xuất, còn việc tiêu thụ sản phẩm gần như vẫn bị “bỏ mặc” nhà nông.
Chính sự đầu tư chưa đúng mức đã khiến các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tăng về lượng, song về giá trị thì vẫn còn thua kém các mặt hàng xuất khẩu cùng loại của các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế. Năm 2012, Việt Nam vượt Thái Lan trở thành quốc gia xuất khẩu lúa gạo số 1 thế giới, song về giá trị xuất khẩu vẫn thua kém. Các sản phẩm lúa gạo xuất khẩu chủ yếu vẫn là gạo phẩm cấp thấp. Một loạt các yếu kém của nông nghiệp đã được nhận diện. Ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa bỏ được “chiếc áo” thấp kém đã khoác bấy lâu nay. Bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, đã đến lúc cần coi nông nghiệp là hàng đầu, củng cố trụ cột nông nghiệp trong nền kinh tế giữa bối cảnh khó khăn hiện nay. Các nguồn lực đầu tư từ ngân sách cần phải được tăng cường, tập trung vào những khâu tạo giá trị gia tăng cao và thu ngoại tệ như thủy hải sản, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, chế biến nông sản xuất khẩu. Trong đó, các nguồn đầu tư của Nhà nước cần tập trung vào các lĩnh vực như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; phát triển công nghệ chế biến nông sản; thông tin thị trường; công nghệ sinh học; vaccine phòng bệnh, thuốc thú y; công nghệ giống, công nghệ gien hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững dựa trên công nghệ cao.
Một trong những nút thắt cần phải tháo gỡ trong ngành nông nghiệp hiện nay, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, là cần phải hỗ trợ mạnh hơn cho đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm cải thiện tình trạng giá cả đắt đỏ và phụ thuộc vào nhập khẩu như thời gian vừa qua. Theo hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, hiện 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 20-25%. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đồng nghĩa với việc phải gánh thêm chi phí về vận chuyển, kiểm định, rủi ro bị trả hàng xuất khẩu do chất lượng hàng không đạt chuẩn… Việc hỗ trợ cần đi từ công nghệ chế biến, xây dựng, khoanh vùng nguồn nguyên liệu và cung cấp nguồn lực tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Để góp phần giải quyết những khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hiện nay, Phó cục trưởng Phan Thị Diệu Hà cho biết, Bộ Công thương tăng cường phối hợp với Bộ NN và PTNT và các hiệp hội ngành hàng nông lâm, thủy sản như Hiệp hội lương thực VN (VFA), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trong việc cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tư vấn các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hóa với từng thị trường nhập khẩu; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại. Tiếp tục thực hiện các biện pháp trong việc thực hiện các chương trình hành động để thực hiện chiến lược xuất khẩu, xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, việc củng cố trụ cột nông nghiệp cần theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, xóa bỏ các hoạt động sản xuất manh mún tồn tại bấy lâu nay. Nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” phục vụ sản xuất hàng hóa và đưa khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng. Đồng thời, tăng cường nguồn lực đầu tư, tín dụng cho nông nghiệp, đa dạng loại hình cho vay, bảo hiểm và các dịch vụ khác trong nông nghiệp, phát triển nông thôn; tăng cường vai trò và năng lực của hiệp hội nông dân, hiệp hội ngành hàng; hỗ trợ phát triển hợp đồng nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý rủi ro; thúc đẩy phát triển các loại hình giao dịch thị trường hiện đại.