Cuộc chiến phòng chống virus Covid-19: Cần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật
Cùng với tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cũng được lan truyền một cách rộng rãi trên mạng xã hội. Hành vi trên góp phần làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Hoảng loạn vì tin giả
Tin giả (fake news) đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus vùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận.
Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn, việc người từ vùng dịch trở về và buộc phải cách ly để theo dõi do yêu cầu của công tác phòng bệnh lập tức bị bóp méo thành ca mắc bệnh mới.
Thực tế chứng minh, không thiếu trường hợp thông tin giả đã hủy hoại cuộc sống của một cá nhân hay cộng đồng. Đơn cử như tại Trung Quốc, ngay khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát ở Vũ Hán, các chuyên gia đã dự đoán rằng, sự sợ hãi về căn bệnh này sẽ nghiêm trọng hơn bản thân loại virus Corona. Làm thế nào để ổn định lòng người và giữ cho họ bình tĩnh, đã trở thành một trọng điểm khác của việc phòng chống dịch bệnh.
Những ngày đầu dịch bùng phát, trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus Corona hay số lượng người chết về dịch bệnh này khiến cộng đồng thêm phần hoang mang, sợ hãi. Ngay tại Hà Nội, vào thời điểm Chính phủ chính thức công bố dịch Corona, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đổ xô tới các cửa hàng y tế, các nhà thuốc để mua khẩu trang, nước sát khuẩn, thậm chí đứng xếp hàng từ 2 giờ sáng. Hệ lụy nhãn tiền là một nhóm đầu cơ đã lợi dụng tình thế để tăng giá hai mặt hàng này lên gấp nhiều lần ngày thường, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Còn người dân lại thêm phần hoảng loạn vì cho rằng không có 2 mặt hàng kia thì bản thân và gia đình có thể mắc bệnh và tử vong bất cứ lúc nào.
Chị Đặng Thị Thêm (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) cho biết, từ ngày Việt Nam có ca nhiễm virus Corona đầu tiên đến nay, chị vẫn chưa dám đi làm trở lại và quá lo lắng. Đầu óc luôn hoang tưởng việc bước chân ra chỗ đông người sẽ bị nhiễm bệnh và lây cho cả nhà. Những tin bịa đặt trên facebook như: “Ở Đông Anh, Đồng Nai... có vài người chết vì dịch bệnh” hay “Việt Nam sắp tới sẽ bùng nổ dịch bệnh”… càng khiến chị sợ hãi, hoảng loạn. “Mỗi ngày lên Facebook tôi đều đọc được những thông tin về dịch bệnh, số ca nhiễm, số người chết, Hà Nội có người dương tính với Virus Corona, chỗ kia có người tử vong nhưng chính quyền che dấu không thông báo… không biết thật giả thế nào nhưng những thông tin trên làm tôi thật sự hoảng loạn” – chị Thêm chia sẻ
Lại có người vì lo lắng quá đà mà nảy sinh tâm lý, lương thực, thực phẩm sẽ nhanh chóng cạn kiệt nên phải mua để tích trữ sẵn. Anh Nguyễn Hải Đăng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) là một ví dụ điển hình. Sau khi dịch bệnh bùng phát, nghe các đồng nghiệp truyền tai nhau việc hàng hóa trở nên khan hiếm, anh thành liền rút hết tiền trong tài khoản để mua gạo, thực phẩm khô dự trữ như: đường, sữa chất đầy phòng ngủ, phòng khách. Ngoài ra anh còn sắm thêm tủ cấp đông để đựng trứng, thịt, cá... Đến khi thấy báo đài đưa tin Việt Nam đã đẩy lùi dịch bệnh, thực phẩm được cung ứng đầy đủ anh Đăng mới giật mình vì đã quá tin vào các “lời đồn”.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc tung tin giả người chết, số ca dương tính ở những khu vực cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống người dân khu vực đó, khiến họ bất an, cuộc sống bị đình trệ, thậm chí bị khu vực khác kỳ thị, xa lánh vì sợ nhiễm bệnh.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Thực tế cho thấy, trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã phao tin nhảm, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó. Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng, thậm chí nguy hiểm, độc hại để gây hoang mang trong xã hội.
Điều đáng lo là những tin tức chết chóc gây hoang mang, khiếp hãi, hỗn loạn trong dân chúng thì lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, các chuyên gia an ninh mạng luôn cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, tin giả bao giờ cũng có đặc điểm là dựa trên một thông tin có thật. Người lan truyền tin giả sẽ sửa đổi tin thật khiến người đọc hiểu sai bản chất thông tin.
Vì thế các đơn vị có liên quan phải có chế tài xử phạt các trường hợp tung tin giả và tạo ra tin giả. Tuy nhiên, mức độ xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tin giả. “Tôi hy vọng mỗi một cá nhân khi tham gia mạng xã hội phải có ý thức không tạo ra tin giả, có bộ lọc thật tốt để phát hiện tin giả, đặc biệt, không tự biến mình trở thành người lan truyền tin giả trong cộng đồng” – bác sĩ Trần Văn Phúc nhắn gửi.
Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống không hoang mang, lo lắng thái quá.
Ngoài ra, bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.