Cuộc chiến tín dụng tiêu dùng nóng dần
(Tài chính) Không chỉ đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, nhất là với phân khúc tín dụng mua nhà và tiêu dùng, hiện hầu hết ngân hàng đều có công ty chuyên biệt về cho vay tiêu dùng (mua lại công ty tài chính hoặc thành lập riêng) để đẩy mạnh thị phần. Các công ty tài chính (CTTC) cũng đang từng bước mở rộng hoạt động.
Sở dĩ các ngân hàng và CTTC chạy đua trong việc chiếm lĩnh thị phần tín dụng tiêu dùng là do miếng “bánh” này trở nên hấp dẫn, khi nhu cầu vốn tiêu dùng của thị trường tăng. Giám đốc Khối tín dụng tiêu dùng kiêm Phó giám đốc VPBank Chi nhánh TP. HCM, ông Maxim Chernuschenko cho biết, kể từ đầu năm, Khối tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng đã gia tăng mức dư nợ lên gần 27% và cho vay hơn 6.800 tỷ đồng tính đến gần cuối tháng 6/2014.
Theo ông Maxim, tại bất cứ giai đoạn nào của nền kinh tế, tín dụng tiêu dùng đều có vai trò kích cầu và thúc đẩy tiêu thụ. Đặc biệt, Việt Nam là nước có dân số trẻ nên có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực này.
Dựa trên nghiên cứu thị trường hàng tháng về Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam của ANZ - Roy Morgan được công bố từ tháng 7/2014, Việt Nam là một trong những quốc gia có tầng lớp thu nhập trung bình khá tại châu Á hình thành mạnh mẽ nhất, thậm chí phát triển với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Dự báo, Việt Nam sẽ có thêm hơn 2 triệu người gia nhập nhóm tiêu dùng mỗi năm. Đặc biệt, gần 2/3 dân số Việt Nam dưới độ tuổi 35 và nhóm dân số trẻ này có xu hướng đi du lịch và trải nghiệm thế giới, sẽ thúc đẩy tín dụng tiêu dùng.
Ông Trịnh Minh Thảo, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân của Techcombank chia sẻ, tăng trưởng tín dụng và nguồn thu từ Khối tín dụng cá nhân hiện chiếm khoảng 40% tổng dư nợ và lợi nhuận của Ngân hàng. Chiến lược trong thời gian tới của Techcombank là đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, trong đó có tín dụng tiêu dùng cá nhân. Các nhóm sản phẩm bán lẻ mà Techcombank đang triển khai gồm: vay ứng trước tài khoản cá nhân có tài sản đảm bảo, ứng trước tài khoản cá nhân tín chấp, vay xây sửa nhà, cho vay đám cưới tự lập, vay mẹ và bé, cho vay mua ô tô, tiêu dùng, cho vay hộ kinh doanh…
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam còn nhiều tiềm năng đối với tín dụng tiêu dùng, bởi dân số trẻ và thu nhập của người dân đang tăng. Làn sóng chạy đua thâu tóm CTTC của ngân hàng gần đây phần nào cho thấy tiềm năng này. Thực tế, với những ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong thời gian qua, nguồn thu chiếm tỷ lệ lớn nhất chủ yếu đến từ khối tín dụng cá nhân. Đơn cử, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 734 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 162% so với 280 tỷ đồng cùng kỳ năm trước là nhờ có sự đóng góp đáng kể của khối tín dụng cá nhân.
Mặc dù thâm niên hoạt động thua xa các NHTM trong nước, nhưng một số CTTC nước ngoài cũng đã thu được thành quả lớn từ phân khúc tín dụng tiêu dùng. Chẳng hạn, CTTC PPF Việt Nam (vừa được NHNN chấp thuận đổi tên thành Home Credit Việt Nam) có vốn góp 550 tỷ đồng, nhưng đạt 711 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2013, gấp hơn 5 lần so với năm 2012; lãi sau thuế là 529 tỷ đồng.
So với không ít NHTM trong nước, lợi nhuận của Home Credit Việt Nam trong 2 năm qua cao hơn đáng kể. Đạt được kết quả này là nhờ nguồn thu từ hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng cao. Tính đến cuối tháng 2/2014, Home Credit có 1,2 triệu khách hàng vay vốn tiêu dùng. Mục tiêu của Công ty trong năm nay là tăng 50% số lượng khách hàng vay.
Cuộc cạnh tranh về thị phần tín dụng tiêu dùng dần nóng lên, song theo ông Igor Prerovsky, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam, cạnh tranh sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, đồng thời thị trường được minh bạch hơn. Home Credit không ngại cạnh tranh, điều quan trọng là đem lại dịch vụ tốt mới có thể thu hút được khách hàng.
Trong cuộc đua giành thị phần tín dụng tiêu dùng, các CTTC trực thuộc ngân hàng có lợi thế lớn. Bởi lẽ, nguồn vốn huy động từ ngân hàng mẹ có chi phí thấp, trong khi cho vay ra chênh lệch cao. Các CTTC độc lập cũng có thuận lợi là trong bối cảnh nợ xấu tăng, không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng, trong khi CTTC hoàn toàn cho vay tín chấp, không cần chứng minh tài sản và cam kết từ nơi công tác, giải ngân sau 15 phút.
Trước diễn biến tín dụng tiêu dùng tăng cao và các ngân hàng đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc này, các chuyên gia cảnh báo, nếu không thận trọng thì nợ xấu sẽ gia tăng. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, tỷ lệ nợ xấu đối với tín dụng tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát. Tại VPBank, nợ xấu đến cuối tháng 6/2014 dưới mức 3%, tỷ lệ này tại Home Credit Việt Nam là 5 - 6%.