Đã có giải pháp triệt tín dụng đen?

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Những biện pháp hạn chế tín dụng đen thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả góc độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là nhận của PGS., TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), tại Hội thảo “Hạn chế tín dụng đen tại Việt Nam” ngày 20/12.

Các chuyên gia và ngân hàng cho rằng tín dụng đen có thể xem như vấn nạn quốc gia và kiến nghị cần có những chế tài mạnh, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để chấm dứt tình trạng này.

Tín dụng đen “lách qua khe hở”

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, tín dụng đen là hoạt động không chính thống. Vấn nạn tín dụng đen đã được đề cập nhiều và các cơ quan quản lý đưa ra không ít giải pháp để hạn chế trong suốt nhiều năm nay nhưng chưa thuyên giảm là do nhu cầu của người dân cần có khoản vay nhanh phục vụ nhu cầu về cuộc sống gia đình rất gấp.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính ngân hàng chính thống về mặt địa lý, về mặt hành chính và quy trình thủ tục cần có sự đảm bảo an toàn, chặt chẽ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay nhanh, vay “nóng” của người dân vào thời điểm ngoài giờ hành chính.

“Đây là khe hở để tín dụng đen lách vào vùng sâu vùng xa, vào những gia đình có nhu cầu vay vốn gấp như vậy”, ông Thắng cho hay.

Ngoài ra, hiện nay, khâu tuyên truyền chưa mạnh để người dân hiểu được tín dụng đen ảnh hưởng như thế nào đến đời sống. Hiểu biết của người dân về tín dụng đen cũng chưa cao, dẫn đến “mắc bẫy” do chưa xem kỹ điều kiện và những ràng buộc khi vay vốn.

PGS.,TS. Đặng Ngọc Đức cho rằng những biện pháp hạn chế tín dụng đen thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả giác độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.

“Chừng nào các ngân hàng thương mại (NHTM) hay các tổ chức tài chính chính thống chưa đủ phát triển và đáp ứng nhu cầu vốn cũng như nhu cầu tài chính, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là người nghèo thì vẫn còn tạo cơ hội cho tín dụng đen phát triển”, ông Đức nói.

Nguyên nhân khiến vấn nạn tín dụng đen bùng phát nhiều nhất ở khu vực vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là cơ quan quản lý chưa đưa nguồn vốn về cho những người nghèo ở đây.

Đáp ứng nhu cầu vốn của người dân để hạn chế tín dụng đen
Đáp ứng nhu cầu vốn của người dân để hạn chế tín dụng đen
 

Đưa “vốn sạch” về nông thôn

Tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen. Trong đó, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định người dân ở vùng nông thôn phải dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn “sạch”.

Theo ông Đức, điều quan trọng là đáp ứng tốt nhất nhu cầu tạo điều kiện cho người dân sử dụng được tài chính chính thống. Cần có chính sách khuyến khích các NHTM triển khai các gói cho vay ở vùng nông thôn, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng hiện nay vẫn vướng các chuẩn cho vay. Trong bối cảnh phấn đấu đạt chuẩn an toàn theo chuẩn quốc tế và các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Thông tư số 41, các NHTM không thể tiếp cận với các khoản vay không đạt tiêu chuẩn, không có thông tin đầy đủ, tài sản thế chấp hay các điều kiện khác nằm trong quy định đảm bảo rằng đó là khoản vay hiệu quả, an toàn.

Vì vậy, NHNN cần có chương trình đặc biệt. “Tôi cho rằng tín dụng đen là vấn nạn quốc gia cần có chương trình quốc gia để xử lý như chương trình xóa đói giảm nghèo. Có chương trình như vậy, cho dù các NHTM không được bao cấp về vốn nhưng cũng khuyến khích họ tạo điều kiện để cho vay dưới chuẩn, chưa đạt tiêu chuẩn”, ông Đức kiến nghị.

Dưới góc độ của NHTM, ông Thắng cho biết hiện các ngân hàng đang tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho khách hàng. Chẳng hạn, LienVietPostBank có giải pháp xây dựng ứng dụng online phục vụ 24/7. Cùng với đó, người dân có nhu cầu vay chính đáng và có khả năng trả nợ sẽ được cấp hạn mức tín dụng nhất định, như việc ngân hàng đang cấp thẻ tín dụng cho khách hàng tiêu trước trả sau.

Như vậy, người dân có nhu cầu vay vốn sẽ được đáp ứng 24/7 và được đảm bảo vay đúng lãi suất và số tiền cần.

Theo ông Thắng, để triệt tình trạng tín dụng đen cần có sự vào cuộc đồng bộ các giải pháp như: cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với các NHTM tạo ra sản phẩm cho vay nhanh, tín chấp cho người dân; pháp luật cần có sự răn đe quyết liệt hơn; tuyên truyền cho người dân tránh “cạm bẫy” tín dụng đen.