Đã giảm được 50% thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội

Theo Baodautu.vn

(Tài chính) Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã hoàn thành giảm 1/3 số lần và 50% thời gian mà doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục bảo hiểm bắt buộc.

''Nhưng để giảm thời gian thực hiện các thủ tục bảo hiểm xuống còn 49,5 giờ thì còn rất nhiều việc phải làm'', TS. Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ.

Đã giảm được 50% thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội
TS. Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam
Phóng viên: Nghị quyết 19/NQ-CP và Chỉ thị 24/CT-TTg yêu cầu BHXH phải giảm thời gian thực hiện thủ tục bảo hiểm bắt buộc xuống còn 49,5 giờ. Đến thời điểm này, BHXH đã thực hiện được đến đâu, thưa ông? TS. Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam: Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố, năm 2012, doanh nghiệp (DN) Việt Nam mất 335 giờ và năm 2013 mất 216 giờ để hoàn thành các thủ tục hành chính liên quan đến BHXH.

Nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan thuế và BHXH phải giảm thời gian làm thủ tục hành chính xuống còn 171 giờ vào cuối năm 2015 (bằng mức trung bình của ASEAN 6), trong đó, thời gian làm các thủ tục bảo hiểm bắt buộc tối đa chỉ có 49,5 giờ.

Đến thời điểm này, theo đánh giá của các tổ chức tư vấn quốc tế về môi trường kinh doanh, năm 2014, thời gian làm thủ tục bảo hiểm của Việt Nam chỉ còn 108 giờ. Như vậy, so với năm 2013, chúng tôi đã giảm được 50% thời gian làm thủ tục theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá doanh nghiệp Việt Nam mất 108 giờ để làm các thủ tục bảo hiểm liệu có chính xác?

Khi tiến hành đánh giá môi trường kinh doanh, các tổ chức quốc tế không đi khảo sát cụ thể từng DN theo quy mô, ngành nghề, địa bàn, lĩnh vực, mà họ xây dựng DN giả định, nên có những kết quả không đúng với thực tế.

Ví dụ, người ta cho rằng, khi thực hiện các thủ tục khai báo bảo hiểm thì nhân viên kế toán phải lấy quyết định tăng lương, danh sách người lao động, sắp xếp lại, nhập dữ liệu, in ra, trình lãnh đạo DN ký, sau đó đưa lên BHXH, ngồi chờ đợi để làm việc, nên mất rất nhiều thời gian.

Nhưng trên thực tế, với hầu hết các công đoạn trên, DN không phải làm, vì tháng nào cũng trả lương cho người lao động, nên dù có đóng bảo hiểm hay không thì họ vẫn phải thực hiện các công đoạn đó.

Hơn nữa, tại nhiều địa phương, như Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, giao dịch bảo hiểm đã thực hiện qua mạng Internet. Với cách thức này, sau khi có đủ dữ liệu, nhân viên kế toán chỉ cần khởi động máy tính, bấm một nút duy nhất và chỉ mất vài giây là toàn bộ dữ liệu  được chuyển đến BHXH, chứ không mất thời gian đến BHXH và ngồi chờ đợi như tính toán của các tổ chức quốc tế.

Tại những địa phương chưa thực hiện giao dịch bảo hiểm qua mạng Internet thì sao, thưa ông?

Chúng tôi cử cán bộ trực tiếp xuống DN nhận và trả hồ sơ liên quan đến bảo hiểm bắt buộc hoặc thuê bưu điện nhận và trả hồ sơ trực tiếp cho DN, nên DN không mất thời gian, công sức, chi phí để làm việc này.

Thế còn việc thực hiện các thủ tục về bảo hiểm y tế thế nào?

Theo Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế được cấp thẻ mỗi năm một lần, nhưng trên thực tế, với đối tượng hưu trí cấp 5 năm/lần, trẻ em dưới 6 tuổi cấp 6 năm/lần. Tuy nhiên, nhiều DN do có sự thay đổi người lao động thường xuyên, nên yêu cầu cấp thẻ bảo hiểm y tế 3 tháng hoặc 6 tháng/lần.

Chúng tôi chấp nhận bỏ thêm nhiều thời gian, chí phí, công sức để làm theo yêu cầu của DN, nhưng khi tính thời gian, chi phí trong việc làm bảo hiểm y tế, các tổ chức tài chính quốc tế vẫn tính DN mỗi năm mất 2 - 4 lần làm thủ tục bảo hiểm y tế.

Nhưng việc giảm thời gian làm thủ tục bảo hiểm xuống còn 49,5 giờ vào cuối năm 2015 chắc chắn sẽ không đơn giản?

Chúng tôi cố gắng thực hiện giảm thời gian làm các thủ tục về bảo hiểm bắt buộc xuống còn 49,5 giờ theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Để làm được việc này, trước mắt, chúng tôi đầu tư phần mềm cung cấp miễn phí cho DN và tất cả cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, hội nghề nghiệp. Trên cơ sở phần mềm này, cán bộ phòng nhân sự, kế toán chỉ cần nhập toàn bộ dữ liệu liên quan đến đóng bảo hiểm, nên giảm được rất nhiều thời gian. Sau đó, chúng tôi sẽ từng bước kết nối đường truyền giữa BHXH với DN, cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, hội nghề nghiệp.

Khi hoàn thành được 2 công việc đó, DN chỉ cần nhập dữ liệu vào hệ thống và chỉ mất một giây để chuyển toàn bộ dữ liệu đến BHXH. Chúng tôi chịu trách nhiệm tính toán tổng số tiền bảo hiểm mà DN cũng như từng người lao động phải nộp và chuyển dữ liệu về cho DN.

Nhưng để làm được việc đó, chúng tôi cần sự hợp tác của DN, cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, hội nghề nghiệp, tức là họ phải sử dụng phần mềm khai báo bảo hiểm bắt buộc, có máy tính nối mạng và chấp nhận kết nối với BHXH.