Đà Nẵng đón sóng đầu tư từ Nhật Bản
Thời gian gần đây, Đà Nẵng liên tục được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, đề xuất đầu tư nhiều dự án trong các lĩnh vực như công nghệ cao, du lịch....
Đón sóng đầu tư Nhật Bản
Đầu tháng 6, Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản chính thức đưa vào vận hành tất cả các hạng mục của Khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki trên diện tích hơn 13ha (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) với tổng vốn 3.900 tỷ đồng. Đây là khu nghỉ dưỡng đầu tiên được Tập đoàn Mikazuki - thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng.
Ngay sau khi đưa Khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki vào hoạt động, ông Odaka Yoshimune, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki cho biết, sắp tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều dự án du lịch hấp dẫn tại Đà Nẵng, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Cụ thể, Tập đoàn sẽ khai trương khu phố đêm xung quanh tổ hợp nghỉ dưỡng cùng với cầu đi bộ giúp khách tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa đi tắm biển thoải mái và an toàn hơn. Cầu đi bộ sẽ hoàn thành vào năm 2023, nhân dịp Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao.
"Cây cầu được rất nhiều chính trị gia hai nước ủng hộ, chứng minh mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy, quan trọng hàng đầu cũng như sức mạnh của nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản sau đại dịch COVID-19", ông Odaka Yoshimune thông tin.
Hay mới đây, với mục đích chuyển giao kỹ thuật sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao "Made in Vietnam" và mở rộng hoạt động sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao phục vụ nhu cầu cung cấp thiết bị y tế nội địa và xuất khẩu, Công ty Metran Nhật Bản đề xuất đầu tư, xây đựng nhà xưởng sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Cụ thể, dự án có quy mô triển khai trong 50 năm, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2023-2035) sản xuất khoảng 1 triệu sản phẩm; giai đoạn 2 (2035-2073) sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm. Dự kiến, diện tích sử dụng bao gồm kho thiết bị thành phẩm, bán thành phẩm, kho bãi… khoảng 3ha trong giai đoạn 1 và mở rộng thêm 5ha trong giai đoạn 2. Sản phẩm của nhà máy là các thiết bị y tế cao cấp như máy áp lực dương, máy thở lưu lượng cao, máy cô đặc oxy, nước cất y tế.
Được biết, Metran là công ty sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao tại Nhật Bản với hơn 40 năm với kinh nghiệm. Sản phẩm thiết bị y tế cao cấp của công ty hiện được sử dụng tại hơn 90% trung tâm nhi khoa tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới, đóng góp cho việc giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non thiếu tháng.
Cũng trong năm nay, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đã nghiên cứu về việc mở rộng đối với các đồ án quy hoạch phân khu trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như phân khu đô thị sân bay, đô thị cảng biển…
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, thời gian qua, chính quyền Đà Nẵng đã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hoạt động tại địa phương.
"Đà Nẵng là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi cam kết sẽ là cầu nối để mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi nguồn nhân lực, hợp tác du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm củng cố hơn nữa nền tảng quan hệ hữu nghị giữa hai bên", ông Yamada Takio khẳng định.
Đẩy mạnh thu hút vốn FDI
Do chịu ảnh hưởng nặng nề từ 2 năm liên tiếp xảy ra COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài mới không thể đến thành phố để nghiên cứu cơ hội đầu tư nên số lượng dự án và tổng vốn đầu tư có sự sụt giảm.
Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố có 11 dự án FDI cấp mới chứng nhận, vốn đăng ký đạt 6.064 nghìn USD; 10 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 990 nghìn USD; 9 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 1.267 nghìn USD.
Tính chung 5 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 8.321 nghìn USD, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ bằng 5,2%).
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, ngay từ đầu năm 2022, TP. Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác liên ngành về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư nhằm giải quyết hiệu quả, triệt để các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai dự án tại thành phố.
Theo đó, tổ công tác có 4 nhiệm vụ chính, gồm: rà soát và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tại Đà Nẵng; nghiên cứu cơ chế, chính sách theo quy định pháp luật, đề xuất giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư; đề xuất giải pháp tiếp cận và thu hút nhà đầu tư có tiềm lực vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm, động lực phát triển của thành phố; phối hợp với các tổ công tác khác khi cần thiết để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, thành phố tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao…
"Chúng tôi tập trung đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Coi trọng các thị trường, đối tác hiện tại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (khối G7, OECD)", ông Sơn thông tin.