Đà tăng của thị trường chứng khoán đang được củng cố
(Tài chính) Tính đến thời điểm kết thúc phiên sáng ngày 22/5, đà tăng của VN-Index đang được duy trì phiên thứ 5 liên tiếp. Áp lực bán ròng đã có nhiều dấu hiệu suy kiệt, thay vào đó là đà tăng đang được củng cố. Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, thị trường dự báo sẽ tích lũy và đi lên nhẹ.
Trong báo cáo tháng 5 phát đi gần đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nếu xét theo yếu tố cơ bản thì kinh tê vĩ mô đã và đang tiếp tục có nhiều bước chuyển biến tốt hơn so với năm ngoái khi lạm phát duy trì ở mức thấp, lãi suất giảm khá nhiều và có thể tiếp tục giảm trong tương lai, tỷ lệ nợ xấu cũng đã cải thiện hơn, lĩnh vực sản xuất tiếp tục phục hổi hơn nữa. Vì vậy, “kỳ vọng cho năm nay thị trường cũng sẽ diễn biến theo xu hướng thuận lợi thiết nghĩ không phải là điều quá lớn”, VDSC nhận định.
Tính thời điểm gần nửa tháng 5, mặc dù vẫn còn một số công ty lớn chưa công bố, nhưng số lượng doanh nghiệp báo lãi chiếm đa số lên đến khoảng hơn 80%. Do vậy, VDSC cho rằng, đây chính là bằng chứng thuyết phục nhất để thấy điều kiện vĩ mô đã ổn định và thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và chính là điểm tựa cho tâm lý nhà đầu tư khi tìm kiếm một doanh nghiệp tốt thì yếu tố cơ bản vẫn luôn là điều kiện cần trong quyết định đầu tư.
Thêm một lực đỡ cho thị trường chính là giao dịch của khối ngoại. Trong bản tin tài chính vừa công bố ngày 21/5, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân trong nước hoảng loạn bán tháo mạnh, hoạt động mua vào của khối tự doanh các công ty chứng khoán và khối nhà đầu tư nước ngoài càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Lực mua ròng mạnh của khối ngoại đã giúp hãm lại đà giảm của thị trường trong một số phiên và cũng nhen nhóm hi vọng chỉ số VN-Index đã hình thành đáy vào khoảng giữa tháng 5/2014.
Thị trường có thể tích lũy đi lên nhẹ
Báo cáo của FPTS nhận xét, thị trường chứng khoán trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2014 thật sự là một thảm kịch, chỉ số VN-Index giảm mạnh 13,95% tính từ mức đáy 508,51 điểm so với điểm số vào đầu tháng 4/2014. Tiếp sau đó, tình hình Biển Đông đã tạo ra một sự hoảng loạn thực sự trên thị trường, hành động bán tháo bất kể cổ phiếu nào đã diễn ra trên diện rộng, rồi lại kéo theo hoạt động giải chấp của các công ty chứng khoán càng “đạp” thị trường “lún” sâu hơn.
Tuy nhiên, nhận định thị trường chứng khoán nửa sau tháng 5 và nửa đầu tháng 6, FPTS cho rằng, tình hình vĩ mô của Việt Nam nhìn chung vẫn đang khá ổn định và chưa có dấu hiệu chuyển biến xấu. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông cùng các sự kiện liên quan sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường. Nhưng theo các đánh giá cho thấy, tác động của sự việc này đến các hoạt động kinh tế cụ thể trong nước là không đáng kể.
Ngoài ra, Công ty này còn cho rằng, vụ án xét xử “Bầu Kiên” từ ngày 20/5/2014 cũng là sự kiện đáng chú ý. Tuy nhiên, theo đánh giá, thị trường chứng khoán đã phản ánh khá nhiều từ sự kiện Biển Đông trong hơn 2 tuần qua với việc giảm điểm mạnh của cả hai chỉ số chứng khoán.
Vì vậy, theo FPTS, thị trường chứng khoán trong nửa sau tháng 5 và nửa đầu tháng 6 sẽ không còn diễn biến quá tiêu cực. Cả hai chỉ số sẽ dao động cân bằng hơn và có thể tích lũy đi lên nhẹ trong giai đoạn này.
Còn VDSC thì cho rằng: “Chúng ta nhận thấy rõ ràng sự hoảng loạn của số đông người nắm giữ chứng khoán khiến cho thị trường giảm mạnh, nhưng cũng đồng thời tạo ra cơ hội cho những người mua vào, bởi luôn sự khác biệt về quan điểm trái chiều đối với rủi ro và cơ hội trong tương lai”.