Đại biểu Quốc hội đồng tình Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bên hành lang Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng Báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ đã đánh giá chuẩn xác thực trạng nền kinh tế đất nước, tạo cơ sở để đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc.

“Kích” tăng trưởng bằng tăng bội chi và phát hành thêm trái phiếu

 Đại biểu Quốc hội đồng tình Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ - Ảnh 1

Đại biểu Hà Sỹ Đồng,
Phó Trưởng đoàn
đại biểu Quảng Trị

Nâng bội chi ngân sách năm 2013 và 2014 là 5,3% và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP) là một trong những giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiến nghị Quốc hội để phục hồi tăng trưởng trong điều kiện ổn định kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng bày tỏ đồng tình với giải pháp trên của Chính phủ. “Trong lúc này kinh tế đang còn khó khăn thì cần tăng mức bội chi và trái phiếu chính phủ để tạo vốn “sạch” khắc phục khó khăn, khơi đà phát triển cho những năm sau”, ông Đồng nói.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng cũng cho rằng nguồn vốn trên cần tập trung cho đầu tư công, hoàn thành các công trình quan trọng có sức lan tỏa cao.  Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, các khu kinh tế trọng điểm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động hoặc mở rộng sản xuất.

Chỉ tiêu tăng trưởng là phù hợp

 Đại biểu Quốc hội đồng tình Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ - Ảnh 2
Chủ tịch Ủy ban Giám sát
Tài chính Quốc gia
 Vũ Viết Ngoạn
Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng trong 2 năm tới (bình quân 6%/năm, năm 2014 là 5,8%, lạm phát 7%), Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Đại biểu Quốc hội Vũ Viết Ngoạn cho là hợp lý.

Đại biểu Ngoạn cũng cho biết: “Trong quá trình triển khai xây dựng kế hoạch này đã có tính toán, trao đi đổi lại rất kỹ rồi. Nhiều chuyên gia nói tăng trưởng 5,8% là mục tiêu quá tham vọng sẽ ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Tôi thì cho rằng ta kiên định ổn định kinh tế vĩ mô - là giá trị cốt lõi đã đạt được những năm qua, phải bảo toàn để thu hút đầu tư lớn. Tuy nhiên việc duy trì mức tăng trưởng hợp lý (khoảng 5,7-5,8%) là để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện phát triển sản xuất”.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn cũng cho rằng thứ tự ưu tiên cho các giải pháp phát triển kinh tế là cùng một lúc tiến hành 2 yêu cầu lớn: Đối phó tăng trưởng thấp và tăng cường quyết liệt hơn tái cơ cấu. “Tái cơ cấu phải cụ thể hơn, mang hiệu quả rõ hơn thì mới nâng cao năng suất lao động, sẽ tránh được tình trạng cứ mỗi lần tăng đầu tư thì lại gây lạm phát, bất ổn vĩ mô, lãng phí”.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn cũng đồng tình với chủ trương của Chính phủ tiếp tục thực hiện cơ chế giá trị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế… Theo ông Ngoạn, nếu không thực hiện thì sau này sẽ khó cho Chính phủ áp dụng nguyên lý điều hành chính sách kinh tế theo cơ chế thị trường.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết  Đại hội Đảng XI, ông Vũ Viết Ngoạn đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành kịp thời Nghị  quyết 11 (đầu năm 2011) ngay sau khi kinh tế thế giới đi vào khủng hoảng. “Đó là sự thay đổi quan điểm, định hướng chính sách rất đúng đắn và chúng ta đã kiên định. Tuy nhiên, từng bước phải quy chỉnh trong từng năm, từng quý, thậm chí từng tháng một, có phát sinh gì thì phải điều chỉnh để cân bằng mối quan hệ giữa lạm phát-tăng trưởng, tổng cầu-ổn định và đó là lý do tại sao Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 sau đó ít lâu”.

Nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế - xã hội

 Đại biểu Quốc hội đồng tình Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ - Ảnh 3
Phó Chủ nhiệm Ủy ban
 Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội
Lê Bộ Lĩnh
Tôi nhận thấy Báo cáo của Chính phủ  do Thủ tướng trình bày sáng nay đề cập khá toàn diện các vấn đề của đất nước với các đánh giá, phân tích khá cân đối mặt được-chưa được và cũng chỉ ra những bất cập hiện nay của nền kinh tế, được dư luận cử tri quan tâm. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành đất nước với việc đưa ra các giải pháp, đồng thời đã phân tích sâu hơn thực trạng và nguyên nhân của nền kinh tế hiện nay.

Trong các giải pháp Chính phủ đưa ra có nhiều giải pháp bao trùm cho Kế hoạch 5 năm, 3 năm và hằng năm. Tôi mong có được nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế hơn nữa với sự  tập trung chỉ đạo rõ nét hơn, hiệu quả  hơn nữa của Chính phủ.

Tôi cũng quan tâm đến việc tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhằm chuyển biến mạnh mẽ việc tái cơ cấu ngành kinh tế. Trong đó, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ  trọng tâm liên quan chặt chẽ đến tái cơ cấu các ngành khác.

 Chính phủ đã thẳng thắn chỉ rõ khó khăn của đất nước

 Đại biểu Quốc hội đồng tình Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ - Ảnh 4
Phó Trưởng đoàn
chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng
Trần Ngọc Vinh
Báo cáo đánh giá của Chính phủ  về kinh tế - xã hội rất xác đáng, chỉ ra những khó  khăn, thành tựu và nhìn nhận trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, do tác động của tiêu cực của nền kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng.

Trong điều kiện đó, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì mức tăng trưởng hợp lý, nhất là vẫn bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, nền kinh tế có những khởi sắc khi lãi suất đã được kéo giảm giúp doanh nghiệp và người dân đang dần tiếp cận  được nguồn vốn để sản xuất và tiêu dùng.

Đây là nỗ lực, cố gắng cao của Chính phủ  trong thời gian vừa qua với việc bám sát vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế linh hoạt, có hiệu quả.

 Những thành tựu kinh tế - xã hội năm 2013 cần được khẳng định

 Đại biểu Quốc hội đồng tình Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ - Ảnh 5
Trưởng Ban Nội chính
Tỉnh ủy Phú Yên
 Nguyễn Thái Học
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang còn nhiều khó khăn như hiện nay với nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài, cần được khẳng định: Kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của năm 2013 là đáng khích lệ.

Về mặt xã hội, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đề cập rất nhiều và Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, nội dung mà Báo cáo của Chính phủ đề cập trong nhiều năm qua là kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, lại chưa có những biện pháp chấn chỉnh triệt để. Đây sẽ là nguyên nhân lớn gây ra các yếu kém.

Do đó, cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả, thiết thực hơn nữa để tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân sát cánh cùng Chính phủ trong các hoạt động của đất nước.