Đại hội đồng Liên hiệp quốc thảo luận các vấn đề toàn cầu

Theo VOA, BBC

Phiên họp lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) kéo dài một tuần (từ ngày 25/9 đến 1/10) tại thành phố New York (Mỹ) sẽ bàn thảo về một loạt vấn đề như suy thoái kinh tế, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố, xung đột và giải trừ quân bị.

Đại hội đồng Liên hiệp quốc thảo luận các vấn đề toàn cầu

Đây là cơ hội để lãnh đạo và quan chức cấp cao các nước cùng bàn thảo và giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ghi nhận tiến bộ mà thế giới đạt được trong những năm qua như tỷ lệ nghèo đói giảm xuống một nửa kể từ năm 2000; tiến trình dân chủ tại thế giới Ả-rập; tăng trưởng kinh tế tại châu Phi, châu Á và Mỹ La-tin. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại về bất ổn tại nhiều khu vực, sự thờ ơ đối với biến đổi khí hậu và tình trạng chạy đua vũ trang giữa các nước.

Ông Ban kêu gọi các nước hành động ngay lập tức để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Ông nhấn mạnh nền kinh tế xanh sẽ tạo cơ hội việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định lâu dài.

Về cuộc xung đột tại Syria, ông Ban kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và các nước trong khu vực ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Ả-rập về Syria.

Trước những lời lẽ đe dọa lẫn nhau gần đây giữa Iran và Israel, ông Ban nói bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào cũng đều gây ra hậu quả thảm khốc và các nước cần tuân thủ đầy đủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barak Obama có bài phát biểu tại phiên họp. Ông Obama lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ cuộc chiến tại Syria và chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Obama cho rằng tương lai của Syria không nên phụ thuộc vào một nhà độc tài và chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải chấm dứt. Ông cũng kêu gọi hòa giải tôn giáo tại Syria.

Về phần Iran, ông Obama nói nhà nước được vũ trang hạt nhân của Iran là mối đe dọa đến sự tồn tại của Israel, an ninh của các nước vùng Vịnh và sự ổn định kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Phiên họp lần này của Đại hội đồng LHQ có sự tham dự của Tổng thống Myanmar Thein Sein. Đây là lần đầu tiên tổng thống Myanmar đến Mỹ kể từ năm 1966. Ông Thein Sein sẽ có bài phát biểu tại phiên họp, nêu bật những cải cách tại đất nước bị cô lập trong thời gian dài này và trình bày những bước đổi mới sẽ thực hiện trong thời gian tới. Ông Thein Sein hy vọng thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Myanmar.

Ông Thein Sein dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng các quan chức cấp cao khác của Liên minh châu Âu (EU) và của LHQ. Chuyến đi này của ông sẽ giúp mở ra quan hệ giữa Myanmar và cộng đồng quốc tế.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Obama chỉ thị bãi bỏ lệnh cấm thị thực cho giới lãnh đạo Myanmar để ông Thein Sein có thể tự do đi lại trong thời gian diễn ra cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ tại Mỹ.