Đảng Cộng sản Việt Nam - Sứ mệnh lịch sử và bản lĩnh chính trị

PGS., TS. Nguyễn Trọng Phúc

(Tài chính) Sứ mệnh lịch sử và bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ trách nhiệm trước đất nước và dân tộc, từ trí tuệ, đạo đức và ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường và sáng tạo của Đảng và dân tộc. Với phẩm chất cao cả đó, Đảng là lương tâm, danh dự và trí tuệ của thời đại mới của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh để Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn.

 Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên tháng 12/1920. Nguồn: Tư liệu
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên tháng 12/1920. Nguồn: Tư liệu

Ngày 1-9-1858, quân đội viễn chinh Pháp xâm lược Việt Nam, bắt đầu bằng trận đánh vào Đà Nẵng. Sau đó quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và đánh ra Bắc Kỳ. Với thất bại ở Bắc Kỳ, triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã ký với Pháp Hiệp ước Hácmăng ngày 25/8/1883 và tiếp đó là Hiệp ước Patơnốt ngày 6-6-1884. Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Pháp cũng mở rộng chiến tranh xâm lược ở Campuchia và Lào. Ngày 17-10-1887, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise).

Quá trình Pháp xâm chiếm Việt Nam và cả Đông Dương trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chế độ phong kiến Việt Nam đã suy yếu cả về kinh tế, chính trị, quân sự. Trong khi đó, trên thế giới, chủ nghĩa tư bản chuyển mạnh sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và thực hành chủ nghĩa thực dân. Các nước nhỏ yếu ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh lần lượt bị chủ nghĩa đế quốc phương Tây thôn tính và biến thành các thuộc địa. Các thuộc địa trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung cấp tài nguyên, sức lao động phục vụ lợi ích, lợi nhuận cao của chủ nghĩa tư bản, đế quốc.

Ở Việt Nam, thực dân Pháp đã tiến hành 2 cuộc khai thác thuộc địa lớn (1897-1914) và (1919-1929). Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc, thực dân ngày càng gay gắt. Cùng với cách mạng vô sản trong lòng các nước tư bản, cách mạng giải phóng của các thuộc địa trở thành nội dung lớn của thời đại.

Yêu cầu khách quan đặt ra phải có sự liên kết giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước tư bản với tinh thần: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Chính Lênin đã có công lớn trong phát triển lý luận cách mạng trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, trong đó có lý luận cách mạng thuộc địa và định hướng đi đúng đắn cho cách mạng ở các thuộc địa.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường đấu tranh giải phóng dân tộc đã sớm tiếp cận lý luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở lý luận đó con đường giải phóng đúng đắn. Suốt những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập một đảng cách mạng chân chính để thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoàn thành giải phóng dân tộc, giành độc lập hoàn toàn và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Đó là quá trình: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; định hình những quan điểm chính trị để xây dựng Cương lĩnh đúng đắn; xây dựng tổ chức yêu nước, cách mạng (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên), đào tạo, huấn luyện cán bộ.

Khi những điều kiện cần thiết đã chín muồi, Nguyễn Ái Quốc cùng các chiến sĩ cộng sản đã quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Sứ mệnh lịch sử đó không ai, không một lực lượng nào có thể thay thế, bởi đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm của lịch sử đều lần lượt thất bại.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với trách nhiệm lớn lao lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, tạo tiền đề để đi tới xã hội cộng sản. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng: về mục tiêu chiến lược lâu dài và mục tiêu cụ thể; về tổ chức và xây dựng lực lượng cách mạng; về hình thức và phương pháp đấu tranh, sách lược cách mạng; về đoàn kết mọi lực lượng của toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; về xây dựng Đảng - đội tiền phong lãnh đạo cách mạng. Cương lĩnh của Đảng không ngừng được bổ sung, phát triển và cụ thể hóa trong đường lối, chính sách và những chủ trương lớn ở các thời kỳ cách mạng.

Dù có những nhận thức và quan điểm khác về đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì nêu cao đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã làm sáng tỏ quan điểm đó của Người. Hội nghị Trung ương Đảng (11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã chủ trương nêu cao ngọn cờ dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc. Trung ương cho rằng, bước đường sinh tồn của dân tộc “không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”(1). “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”(2).

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Tại Cao Bằng, tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp, chống đế quốc và chống phong kiến, lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Trung ương nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc. Vậy thì quyền lợi của nông dân và thợ thuyền phải đặt dưới quyền lợi giải phóng độc lập của toàn thể nhân dân”(3).

Đường lối đúng đắn của Đảng được các giai cấp, tầng lớp hưởng ứng và ủng hộ, phát triển mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh, thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc dẫn tới thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thuộc địa gần một thế kỷ, chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. “Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi”. “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc(4).

Chủ nghĩa đế quốc, thực dân không cam chịu thất bại ở Việt Nam, một quốc gia nhỏ yếu. Vì vậy, với lợi ích thực dân và được sự ủng hộ của các đế quốc khác, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam từ ngày 23-9-1945. Sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), đế quốc Mỹ tìm cách thế chân Pháp bằng cách thiết lập chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam và phát động cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo chống dân tộc Việt Nam khát khao độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình. Đảng Cộng sản Việt Nam trước vận mệnh sống còn của dân tộc đã quyết tâm lãnh đạo toàn dân tiến hành các cuộc kháng chiến oanh liệt giành và bảo vệ độc lập, thống nhất của dân tộc. Sự nghiệp đó được hoàn thành với Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

Kiên định mục tiêu chiến lược của cách mạng, khi miền Bắc được giải phóng (1954), Đảng đã lãnh đạo thực hiện cách mạng XHCN và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đất nước thống nhất (1975), Đảng lãnh đạo xây dựng CNXH trên cả nước. Sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng CNXH là hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có ở Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó, chúng ta đã giành được những thành tựu quan trọng, song cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, thậm chí sai lầm, khuyết điểm.

Thực tế đó đòi hỏi Đảng phải chú trọng nắm bắt đặc điểm thực tiễn của đất nước, đổi mới tư duy lý luận, khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, để nhận thức và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, những đặc trưng của thời kỳ quá độ lên CNXH. Đường lối đổi mới của Đại hội VI (12-1986) đã được hoạch định trên cơ sở đó. Thực tiễn đổi mới và sự phát triển nhận thức lý luận có ý nghĩa quan trọng để Đảng đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội VII (6-1991) và bổ sung, phát triển Cương lĩnh tại Đại hội XI của Đảng (1-2011).

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao và khẳng định vị thế của đất nước trong đời sống chính trị, kinh tế thế giới. Từ thành tựu của đổi mới mà nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Sáng tỏ hơn về mục tiêu và mô hình của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng. Những vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người và chặng đường bước đi của thời kỳ quá độ lên CNXH cũng được thực tiễn làm rõ để nhận thức đúng đắn hơn.

Nội dung và khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa cũng được nhận thức rõ hơn. Xây dựng CNXH hoàn toàn có khả năng hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chủ nghĩa tư bản. Sự phát triển thực tiễn và nhận thức về CNXH ở Việt Nam cho thấy giá trị bền vững của lý luận CNXH khoa học, lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin đang được nhận thức và vận dụng sáng tạo từ thực tiễn Việt Nam. “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” (5).

Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà dân tộc, nhân dân và đất nước giao phó. Sứ mệnh lịch sử nặng nề của Đảng chỉ có thể được hoàn thành bởi trình độ trí tuệ, lý luận của Đảng, bởi Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn; bởi sức mạnh tổ chức và năng lực tổ chức thực tiễn và đức hy sinh hết lòng vì dân, vì nước. Trong đó, bản lĩnh chính trị của Đảng là một yếu tố rất quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng và sự phát triển của đất nước, thể hiện trên những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, kiên định lý tưởng, mục tiêu chiến lược của cách mạng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong bất kể hoàn cảnh nào cũng không xa rời mục tiêu ấy

 Con đường của Đảng và Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giành độc lập và củng cố vững chắc nền độc lập ấy; giải phóng xã hội, mưu cầu tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào là mong muốn, khát vọng của Đảng và Hồ Chí Minh, ở đó đã kết tinh giá trị và sự thống nhất của độc lập dân tộc và CNXH.

Nền độc lập non trẻ sau Cách mạng Tháng Tám đứng trước thách thức sống còn, Đảng cùng cả dân tộc quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do, độc lập ấy. Khi thực dân Pháp phát động chiến tranh xâm lược trên cả nước (12-1946), Đảng và cả dân tộc đã biểu thị quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo chống dân tộc Việt Nam, Đảng cùng toàn dân kiên cường, dũng cảm chống xâm lược với sự soi sáng của chân lý: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất năm 1975, nhưng sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lại đứng trước thách thức mới. Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đánh thắng chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, thực hiện nghĩa vụ cao cả với nhân dân Campuchia. Khi chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bị xâm phạm, Đảng đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết và tinh thần yêu nước, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền bằng đối thoại hòa bình và dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế.

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, các nước XHCN lâm vào khủng hoảng toàn diện dẫn tới sự sụp đổ của mô hình CNXH ở các nước Đông Âu và Liên Xô. Đó là cuộc biến động chính trị dữ dội, một thách thức nặng nề đối với con đường XHCN ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, tổng kết những bài học cần thiết về thất bại của CNXH ở các nước, kiên định con đường XHCN ở Việt Nam. Vượt qua những khó khăn, thách thức, khủng hoảng kinh tế trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới và bằng thực tiễn Việt Nam chứng minh sức sống và giá trị bền vững trong lý luận CNXH khoa học của học thuyết Mác - Lênin.

Hai là, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược cách mạng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, giữ vững nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược

Nêu cao những vấn đề chiến lược của cách mạng, độc lập dân tộc và CNXH, đòi hỏi ý chí, nghị lực và quyết tâm rất cao để xây dựng và phát triển thực lực cách mạng. Từ một nước phong kiến lạc hậu, thuộc địa, không có thực lực không thể chiến thắng. Đảng và Hồ Chí Minh đã kiên trì gây dựng phong trào từ không đến có, từ yếu thành mạnh. Năm 1941, khi lực lượng cách mạng còn có nhiều khó khăn, Đảng đã nêu rõ: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”(6). Khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng ta càng hết sức coi trọng tăng cường thực lực.

Mục tiêu chiến lược là không thay đổi (bất biến), song để đạt được mục tiêu ấy phải có những phương sách, kế sách linh hoạt, kịp thời (ứng vạn biến). Nắm vững chiến lược nhưng phải chủ động nắm bắt tình hình, những vấn đề mới nảy sinh để có chủ trương, đối sách phù hợp, giành thắng lợi từng bước để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Luôn luôn giữ vững nguyên tắc giành cho kỳ được độc lập, giữ vững con đường XHCN, giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, đồng thời khôn khéo, mềm dẻo trong sách lược và phương pháp cách mạng, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm giành thắng lợi và phát triển bền vững đất nước.

Ba là, chủ động, bình tĩnh, tự tin vượt qua thử thách, khó khăn

Sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách nặng nề, hy sinh to lớn. Bị địch đàn áp đẫm máu trong phong trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ - Tĩnh. Thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940) và sự đàn áp dã man của kẻ thù. Phải chống thù trong giặc ngoài sau Cách mạng Tháng Tám, với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Tổn thất nặng nề của Đảng và phong trào cách mạng ở miền Nam những năm 1954-1959. Khó khăn và thách thức mới sau Chiến dịch Mậu Thân 1968. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội năm 1979 cùng với chiến tranh ác liệt ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc. Ảnh hưởng và tác động tiêu cực của biến động chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc bị xâm phạm trắng trợn. Đảng đã lãnh đạo toàn dân vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi để đưa sự nghiệp đấu tranh cách mạng đến thắng lợi và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đến thành công.

Đảng luôn luôn nhận thức rõ rằng, cách mạng là sự nghiệp đầy gian khổ, hy sinh, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN từ điểm xuất phát rất thấp không dễ dàng. Đứng trước khó khăn, thách thức, Đảng đã chủ động, bình tĩnh, tự tin với trí tuệ và kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực tiễn, từng bước đưa đất nước vượt qua thách thức, vững tin vào thắng lợi cuối cùng. Đó là phẩm chất, là bản lĩnh chính trị của đội tiên phong lãnh đạo nắm vững quy luật, được tôi luyện trong thực tiễn và được lãnh tụ Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện. Bản lĩnh gắn liền với trí tuệ, đức hy sinh và trách nhiệm cao đối với đất nước, dân tộc và nhân dân.

Bốn là, công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm phát huy ưu điểm, kịp thời sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Đó là một quy luật trong xây dựng và phát triển Đảng. Người nêu rõ: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(7).

Trong lãnh đạo cách mạng suốt 85 năm qua, Đảng đã có những lần phạm khuyết điểm, sai lầm. Khuyết điểm “tả khuynh” trong chủ trương thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ 1931. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích (1939) nêu rõ những khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng, đề ra biện pháp sửa chữa. Sau khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tự phê bình về những khuyết điểm, căn bệnh trong bộ máy Đảng, chính quyền Nhà nước và của cán bộ, đảng viên, quyết tâm sửa đổi lối làm việc và cách lãnh đạo.

Năm 1956, Đảng đã tự phê bình nghiêm túc về sai lầm trong triển khai cải cách ruộng đất, kịp thời sửa sai có hiệu quả. Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nhận rõ những khuyết điểm trong lãnh đạo xây dựng CNXH, nhất là bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, quyết tâm đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Trong lãnh đạo đổi mới, Đảng đã nhiều lần tự phê bình, nêu rõ những nguy cơ, thách thức mới. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (1/2012) đã thẳng thắn nêu rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Trung ương cho rằng: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”(8). Với kinh nghiệm và bản lĩnh truyền thống, nhất định Đảng sẽ sửa chữa thành công những yếu kém và khuyết điểm hiện nay.

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1/2015

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.536, 539.

(3), (6)  Sđd, t.7, tr.119-120, 244.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.25.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.301.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.21-22.