Đánh giá một số mặt hàng xuất khẩu
Thời gian qua, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, trong khi đó, cà phê xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm bị giảm khá sâu về lượng và kim ngạch, nhưng giá xuất khẩu tăng. Còn xuất khẩu chè, tuy giảm về lượng, nhưng giá xuất khẩu tăng khá.
Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên (từ năm 2004). Kim ngạch mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm 2013 đạt 1,579 tỷ USD. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2013 có thể vượt qua mốc 5 tỷ USD, cao hơn mức đạt được năm 2012.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có hai điểm đáng chú ý: Tăng trưởng ở mức khá cao (mức 2 chữ số), trong đó có những thời kỳ rất cao. Tốc độ tăng đã đạt được gần như liên tục trong 15 năm qua, chỉ bị ngắt quãng 1 năm (vào năm 2009, khi kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của năm này bị giảm 6,1% so với năm trước) do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới năm 2008-2009.
Trong việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hiện có một số vấn đề cần quan tâm. Đó là nguồn nguyên liệu nhập khẩu còn lớn, phụ thuộc vào nước ngoài. Trong khi đó tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tổng kim ngạch xuất khẩu và sản phẩm gỗ còn lớn (năm 2011 là 27,9%, năm 2012 là 27,2%, 3 tháng đầu năm 2013 là 30,1%). Quy mô doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu còn nhỏ, việc đáp ứng yêu cầu của các đối tác, nhất là đối tác Hoa Kỳ (có yêu cầu khối lượng lớn, thời gian giao hàng nhanh). Nhiều khách hàng yêu cầu có sự chứng minh nguồn nguyên liệu sản xuất cũng đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ...
Về mặt hàng cà phê, sau 2 năm tăng cao cả về lượng và kim ngạch, cà phê xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay bị giảm khá sâu về lượng và kim ngạch, nhưng giá xuất khẩu tăng.
Từ năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã đạt 3,673 tỷ USD, tăng cao gần gấp đôi so với năm 2010, bình quân 1 năm tăng 40,9%, là những tốc độ tăng hiếm thấy trong vài chục năm qua.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê đang gặp khó khăn lớn. Đó là tình trạng khô hạn kéo dài, nắng nóng xuất hiện sớm ở Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của cả nước, trong đó có 32.000 ha bị ảnh hưởng về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Lượng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2013 bị ảnh hưởng sâu so với cùng kỳ năm trước; riêng yếu tố này đã làm cho kim ngạch xuất khẩu bị giảm 243 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ có giá xuất khẩu tăng 3,6% (và yếu tố này đã làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng 42 triệu USD), nên kim ngạch xuất khẩu chỉ giảm 13,7%, tương đương 201 triệu USD.
Có 3 vấn đề đặt ra để xuất khẩu mặt hàng cà phê tiếp tục tăng trưởng. Đó là tìm mọi cách chống hạn nhằm hạn chế việc giảm năng suất, sản lượng; đẩy mạnh công nghiệp chế biến để nâng giá trị gia tăng, bù đắp cho sự sụt giảm về lượng; và cuối cùng là mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, duy trì lượng xuất khẩu lớn như năm trước, trong đó lưu ý các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Thái Lan, Hà Lan, Malaysia, Thuỵ Sĩ...
Với mặt hàng chè, mặc dù có tốc độ tăng khác nhau giữa các thời kỳ (tăng cao nhất là thời kỳ 1996-2000 lên đến 22,4%/năm, tiếp đến thời kỳ 2006-2010 tăng 16,9%/năm; tăng thấp nhất là thời kỳ 1991-1995 tăng 0,5%...), nhưng đều mang dấu dương. Tính chung thời kỳ 1987-2012 đã tăng 12,33%/năm. Đó là tốc độ tăng khá cao đối với mặt hàng xuất khẩu nông sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố nguồn hàng, giá cả, thị trường xuất khẩu.
Lượng chè xuất khẩu năm 2012 cao gấp 13,2 lần năm 1986, bình quân thời kỳ 1987-2012 đã tăng gần 11,9%/năm. Đây là nguyên nhân chủ yếu góp phần làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Sản lượng chè năm 2012 cao gấp 5,1 lần năm 1995, bình quân 1 năm tăng 10,1%. Đó là tốc độ tăng khá cao do chè là cây nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên. Diện tích chè thu hoạch năm 2012 cao gấp 2,2 lần năm 1995, bình quân 1 năm tăng trên 4,7%, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của sản lượng. Điều đó chứng tỏ năng suất thu hoạch đã tăng khá (bình quân thời kỳ 1996-2012 đã tăng gần 5,2%/năm). Đây là sự nỗ lực của người trồng chè trong việc chăm sóc để đạt năng suất cao.
Trong 4 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu chè đạt 39.000 tấn, giảm 1,6% (giảm 600 tấn) so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt 59 triệu USD, tăng 5% (hay tăng 2,9 triệu USD) so với cùng kỳ. Do giá xuất khẩu tăng 6,7% đã làm kim ngạch xuất khẩu tăng 3,7 triệu USD; nhưng do lượng xuất khẩu giảm làm giảm 0,8 triệu USD, nên tổng kim ngạch xuất khẩu chè chỉ tăng 2,9 triệu USD.
Đối với việc xuất khẩu chè có một số vấn đề cần quan tâm. Theo đó, quy hoạch các vùng chè tập trung để tiện cho việc trồng, vấn đề chăm sóc, kỹ thuật, thu mua, chế biến... Tăng cường việc thâm canh tăng năng suất để tăng sản lượng và bảo đảm chất lượng sản phẩm thu hoạch. Đẩy mạnh việc chế biến làm tăng giá trị sản phẩm. Bảo đảm vệ sinh an toàn. Xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Cây chè gắn với những vùng sinh sống của bà con dân tộc ít người, có thể được coi là cây “xoá đói giảm nghèo” đối với các vùng này. Kết hợp chặt chẽ 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) để đẩy mạnh xuất khẩu chè.