Đấu thầu vàng: Mua xong bị lỗ liền tay

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Sau phiên đấu thầu trở lại của Ngân hàng Nhà nước, có vẻ như các thành viên trúng thầu đã lỗ liền tay vì giá rơi ngay sau đó.

 Đấu thầu vàng: Mua xong bị lỗ liền tay
Các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng không dễ dàng để lỗ. Nguồn: internet

Mất ngay 100.000 - 150.000 đồng/lượng

Sáng 12/9, sau gần nửa tháng gián đoạn, Ngân hàng Nhà nước nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng. Vẫn là quy mô quen thuộc với 20.000 lượng chào bán, nhưng “luật chơi” đã có điều chỉnh: lượng đặt mua tối đa của mỗi thành viên bị thu hẹp từ 3.000 lượng trước đây xuống còn 2.000 lượng. Điều chỉnh này nhằm hạn chế bớt tình huống một số nhu cầu gom hàng, cũng như để rải đều hơn lượng hàng ra các đầu mối.

Qua phiên trở lại này, điều đáng quan tâm hơn là các mức giá trước và sau đấu thầu.

Giá trúng thầu phiên trong phiên dao động từ 37,94 - 38 triệu đồng/lượng, tức cao hơn giá mua vào của các đầu mối từ 100.000 - 150.000 đồng/lượng tại thời điểm diễn ra đấu thầu. Một lần nữa Ngân hàng Nhà nước khẳng định lập trường “rắn” về giá, không nhượng bộ dù giá thế giới giảm mạnh và chênh lệch so với giá trong nước lại doãng rộng.

Nhà tổ chức đấu thầu hẳn có những lý do để nói về lập trường đó. Còn với con mắt thị trường, cứ mỗi phiên diễn ra, Ngân hàng Nhà nước lại thu về cỡ chênh lệch 3 - 4 triệu đồng/lượng suốt thời gian qua. Dù sao thì phần lãi dễ dàng đó được đưa vào ngân sách nhà nước, như ghi nhận con số 6.000 tỷ đồng chuyển vào ngân sách tính đến cuối tháng 8 vừa qua.

Còn với các tổ chức dự thầu, phiên đấu thầu trên có vẻ như gây lỗ. Về trực quan, họ lỗ liền tay. Sáng mua 37,94 - 38 triệu đồng/lượng, đến chiều giá bán ra trên thị trường rơi xuống còn 37,85 triệu đồng/lượng; tính toán đơn giản là lỗ ngay 100.000 - 150.000 đồng/lượng. Cũng lưu ý rằng, 19.000 lượng trúng thầu phải một ngày sau mới nhận về, theo kỳ thanh toán T+1. Giả sử, ngày mai lượng đó mới về, giá giảm nữa thì càng lỗ.

“Chơi” với “nhà cái” là không hề dễ!

Kiểu lỗ liền tay đó có vẻ càng rõ ràng hơn khi các đầu mối hiện nay không có các công cụ bảo hiểm như vàng tài khoản ở nước ngoài, để mua tay trái bán tay phải mà cân bằng lượng và giá; hay các sản phẩm phải sinh khác như giao dịch kỳ hạn… hiện rất hạn chế.

Nhưng các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng không dễ dàng để lỗ như vậy. Họ có các biện pháp phòng ngừa, mà thường thấy thời gian qua là kiểu bán trước mua sau.

Điều kiện bất di bất dịch khi tham gia kinh doanh vàng là các đầu mối đều phải sẵn có một lượng hàng tồn quỹ. Tùy các giai đoạn, điều kiện thị trường, với quy mô vốn và khẩu vị rủi ro, họ tính toán duy trì một lượng nhất định; riêng các ngân hàng chịu giới hạn trạng thái 2% vốn tự có theo quy định hiện hành.

Giả sử, một đầu mối duy trì trạng thái 5.000 lượng, với họ là cân bằng trong kế hoạch kinh doanh hiện nay. Đó là lượng vốn vàng phải nắm giữ trong một thời gian đủ dài để duy trì khả năng giao dịch và gắn với các mục đích cân đối.

Trong một thị trường mà xu hướng giảm thể hiện rõ thời gian qua và hiện nay, việc sử dụng vốn vàng sẵn có này vừa giúp giảm thiểu rủi ro vừa có thể có lãi, qua bán trước mua sau.

Tương tự như trong đầu tư chứng khoán, kỹ thuật đóng vị thế với lượng hàng sẵn có, bảo toàn danh mục, đầu mối kinh doanh vàng nói trên sẽ bán ra từ 5.000 lượng trạng thái và tính toán, cân đối lượng mua lại để bù đắp lượng bán ra và hụt đi của tồn quỹ.

Giả sử vừa qua, tính toán Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu trong xu hướng giá giảm, họ bán trước khoảng 2.000 lượng với giá 38,4 triệu đồng, rồi vợt lại 2.000 lượng qua đấu thầu giá thấp hơn (37,94 - 38 triệu đồng/lượng), vừa cân bằng lại trạng thái hay đóng vị thế, bảo toàn lượng tồn quỹ và nắm được chênh lệch giá có lợi.

Dĩ nhiên, rủi ro ở đây là xu hướng giá. Cụ thể trong tình huống phiên đấu thầu ngày 12/9, giá thế giới cho đà giảm rõ nét, nhất là sau khi “thùng thuốc súng Syria” đã ẩm đi, nên giả thiết trên là khả thi, không hẳn các đầu mối kinh doanh vàng đã lỗ liền tay.

Một rủi ro khác là các đầu mối hẳn phải tính toán kỹ lượng hàng đã bán ra trước, khả năng lượng trúng thầu (mua lại) để bảo toàn. Theo đó, tỷ lệ bán ra trước là không quá lớn, khi lượng Ngân hàng Nhà nước chào bán chỉ 20.000 lượng, trong khi có khá nhiều thành viên tham gia và giới hạn đặt mua tối đa chỉ được 2.000 lượng. Nếu không mua lại được đúng lượng đã bán ra trước, hoặc phải quyết mua cho được thì phải đặt giá cao hơn, rủi ro danh mục hay độ sai số của cách làm này càng lớn. Giả thiết này cũng có thể làm một góc nhìn để góp phần lý giải vì sao hàng đấu thầu giá cao mà vẫn bán gần hết.

Tuy nhiên, trở lại với phiên đấu thầu ngày 12/9, Ngân hàng Nhà nước vẫn nhất quyết không nhượng bộ giá. Theo đó, để “chơi” với “nhà cái” là không hề dễ; hay mức độ kiếm lời trong giả thiết trên, mong đợi vợt lại hàng giá đấu thầu thấp hơn nữa để thu thêm chênh lệch so với mức giá đã bán ra trước đó là không dễ.

Tình huống trên cũng góp phần giải thích vì sao suốt các phiên đấu thầu Ngân hàng Nhà nước luôn áp giá cao. Bởi nếu thấp hẳn đi để thu hẹp chênh lệch giá trong nước so với giá thế giới, thì có thể bị rơi vào khả năng bị lợi dụng bởi kỹ thuật bán trước mua sau trong xu hướng giá giảm đó.