Đầu tư chứng khoán: Bí quyết tránh những "phút yếu lòng"
Tổng hợp từ những lời khuyên của các chuyên gia tài chính, dưới đây là trường hợp yếu lòng mà nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là nhà đầu tư không chuyên, cần lưu tâm khi tham gia thị trường chứng khoán.
Khi thị trường sụp đổ, hãy… đừng làm gì cả
Ron Lieber - chuyên gia tài chính người Mỹ, nhà bình luận đầu tư của trang The New York Times luôn cho rằng, khi thị trường chứng khoán bắt đầu đi xuống, hoặc xuất hiện các dấu hiệu sụp đổ thì những nhà đầu tư trung và dài hạn tốt nhất không nên làm gì cả.
Bởi khi thị trường có sự thay đổi, liên tiếp trong những ngày sau đó, thông tin sẽ cực kỳ hỗn loạn. Vì thế, nếu không phải là chuyên gia tài chính, thực sự am hiểu thị trường, chúng ta tốt nhất là nên án binh bất động, đừng quan tâm tới những gì đang diễn ra.
“Hãy hít thở đều, sau đó tự rót cho mình một tách cà phê, ngồi xuống và tốt nhất là đừng làm gì cả”, Ron Lieber chia sẻ trên trang The New York Times.
Cụ thể hơn, nếu là nhà đầu tư với mục tiêu trung và dài hạn, chúng ta có thể cân nhắc 3 điều trước khi quyết định có hành động hay không khi thị trường sụp đổ:
Thứ nhất, chúng ta không phải là thị trường chứng khoán. Danh mục đầu tư của chúng ta thường chỉ là một sự kết hợp đa dạng của một số loại cổ phiếu, trái phiếu. Do đó, không việc gì phải lo lắng nếu các chỉ số chung của thị trường đang sụt giảm.
Thứ hai, không có cuộc khủng hoảng nào kéo dài mãi cả. Thị trường sớm hay muộn cũng sẽ hồi phục, theo một chu kỳ nhất định. Do đó, trừ khi công ty mà chúng ta đầu tư tuyên bố phá sản, mất khả năng chi trả hoàn toàn, còn không, những cổ phiếu sẽ rất khó trở thành mớ giấy vụn.
Cuối cùng, những quyết định trong cơn khủng hoảng thường bị chi phối bởi sức ép, sự sợ hãi… những yếu tố cảm xúc. Thường thì những quyết định như thế có tỷ lệ thành công không cao.
“Ai cũng có những phút yếu lòng, lưỡng lự, sợ hãi, bi quan khi đối mặt với thử thách. Sợ hãi giúp chúng ta tính toán mọi thứ kỹ càng, chỉn chu, cầu toàn hơn. Nhưng trong hành trình đầu tư, nếu không thể chịu đựng được căng thẳng, áp lực, không vững tin với những gì mình làm, thì bạn sẽ không thể thành công được”, Ron Lieber kết luận.
Theo đuổi một tỷ suất lợi nhuận phù hợp
Phút yếu lòng thứ hai của nhiều nhà đầu tư thường mắc phải là thường bỏ cuộc giữa chừng. Một trong những lý do chính giải thích điều này là họ thường theo đuổi một tỷ suất lợi nhuận không thực tế, không phù hợp.
Cụ thể, mỗi loại hình đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, bất động sản… hay những cách đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… thường có những đặc thù khác nhau, do đó cũng có tỷ suất sinh lời trung bình khác nhau. Vì thế nếu nhà đầu tư đặt ra cho mình một tỷ suất sinh lời quá cao nhưng lại chọn một kênh đầu tư quá an toàn, họ sẽ sớm nản chí và rất dễ bỏ cuộc.
“Nếu mong muốn tỷ suất lợi nhuận trên 10%/năm mà lại đầu tư vào trái phiếu thì chẳng khác nào bạn đang tự làm khó mình”, Joshua Kennon - Giám đốc điều hành của Công ty tài chính Kennon-Green & Co. nhìn nhận.
Joshua Kennon đã liệt kê các loại tài sản theo mức độ tỷ suất lợi nhuận trung bình trên thị trường. Trong đó, tiền mặt là tài sản có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất, bởi thường bị giảm giá trị theo thời gian. Trái phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, tiếp theo là cổ phiếu. Bất động sản thì khó xác định tỷ suất lợi nhuận hơn, vì thường sử dụng đòn bẩy tài chính. Cuối cùng, khó dự báo nhất chính là vàng. Bởi trong vài thập niên, vàng có thể biến động mạnh, đi từ mức cao xuống mức thấp hoặc có thể thoái trào.
Vì thế, để tránh những phút yếu lòng, từ bỏ con đường mình đang chọn, nhà đầu tư nên xác định rõ tỷ suất lợi nhuận mình mong muốn ngay từ đầu để chọn kênh đầu tư phù hợp. Tránh những tình huống như tới cửa hàng bán đồ ăn chay để mua một chiếc bánh hamburger.
“Nếu là một nhà đầu tư cổ phiếu và mong muốn đạt được mức tỷ suất lợi nhuận 30% hay 50% trong lĩnh vực này, thì bạn cũng đang tự làm khó mình. Bởi tới Warren Buffett cũng không kỳ vọng một mức tỷ suất lợi nhuận cao như vậy. Dù bạn có chọn đầu tư vào cổ phiếu của các công ty nổi tiếng, dẫn dắt thị trường, khả năng đạt được tỷ suất đó cũng rất thấp. Còn đầu tư vào công ty khởi nghiệp (startup) thì rất khó dự đoán. Vì thế, vàng, bất động sản với sự hỗ trợ của đòn bẩy có lẽ là kênh đầu tư phù hợp hơn, nếu bạn vẫn mong một tỷ suất lợi nhuận như thế”, Joshua Kennon kết luận.