Đầu tư công nghiệp chế tạo tại Việt Nam sẽ là một lợi thế của Đức
Tại Diễn đàn Thương mại Đầu tư Việt – Đức tổ chức tại thành phố Frankfurt (Đức) hôm 19/9, các doanh nghiệp Đức cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo và phụ trợ được đánh giá một lợi thế của Đức, với kỹ năng quản lý và kinh nghiệm sẵn có hàng trăm năm của nhiều tập đoàn lớn nhất thế giới.
Tại cuộc gặp với thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc Lãnh đạo bang Hessen ưu tiên và tích cực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thương mại-đầu tư và giáo dục- đào tạo, khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ CHLB Đức, trong đó có bang Hessen, một trung tâm tài chính, kinh tế, giáo dục quan trọng hàng đầu của Đức và châu Âu. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đề nghị chính quyền bang Hessen tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống, làm ăn ổn định và hòa nhập với sở tại.
Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier cho biết, sẽ dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp đông đảo sang thăm Việt Nam vào đầu tháng 10 tới. Hai bên sẽ ký bản ghi nhớ về hợp tác ưu tiên giữa bang Hessen với Việt Nam, tạo khuôn khổ mới tăng cường quan hệ hợp tác với các địa phương Việt Nam trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Cũng trong ngày 19/9 tại Frankfurt, Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính quyền bang Hessen đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Thương mại Đầu tư Việt – Đức với chủ đề “Bền vững trong kinh doanh và đầu tư”. Tham dự Diễn đàn có trên 140 đại biểu, trong đó có gần 40 đại biểu Việt Nam là đại diện của các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; UBND các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, và gần 30 doanh nghiệp Việt Nam. Về phía Đức có sự tham dự của Phòng Công nghiệp và Thương mại Frankfurt, Ngân hàng Đức, Hiệp hội Kinh doanh Đức – Châu Á Thái Bình Dương cùng với hơn 100 đại biểu đại diện cho các tập đoàn, công ty lớn của CHLB Đức.
Diễn đàn đã diễn ra trong một ngày với ba phiên thảo luận chính: (i) Môi trường kinh doanh và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam; (ii) Tài chính cho các dự án đầu tư; và (iii) Cơ hội đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo và phụ trợ. Các đại biểu Việt Nam đã trình bày về tình hình và các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế của Việt Nam, nêu các mong muốn và đề xuất hợp tác với các đối tác Đức.
Các đại biểu Đức cho rằng các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam là đúng hướng và nhất trí rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam hiện đang trong giai đoạn khó khăn, Việt Nam tiếp tục là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Đức, nhất là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng qua mô hình hợp tác công tư (PPP).
Các đại biểu Đức cũng cho rằng đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam, tăng cường quản lý và khả năng tiếp cận vốn là rất quan trọng để triển khai các dự án kinh doanh và đầu tư, đây là lĩnh vực mà các ngân hàng Đức có thế mạnh với kinh nghiệm về quản lý và sử dụng vốn. Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo và phụ trợ được đánh giá là một sự kết hợp hoàn hảo các lợi thế riêng biệt của hai nước: Việt Nam – với đội ngũ nhân công đông đảo, chi phí thấp và được đào tạo tốt, và Đức – với kỹ năng quản lý và kinh nghiệm sẵn có trong công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 10/2011 và đã thông qua Kế hoạch hành động chiến lược bao gồm nhiều dự án quan trọng sẽ tạo xung lực thúc đẩy quan hệ song phương phát triển. Trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức được biểu hiện bằng gắn kết lợi ích lâu dài và bền vững giữa hai nền kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp hai nước. Trao đổi với các doanh nghiệp Đức về tình hình kinh tế Việt Nam, cũng như các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn và tin cậy cho các doanh nghiệp Đức.
Đại diện cho chính quyền bang Hessen, Thủ hiến bang Hessen khẳng định Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu Đông Nam Á và bày tỏ sự hài lòng về những thành tựu hợp tác giữa hai nước, tiêu biểu là việc lập trường Đại học Việt – Đức tại TP Hồ Chí Minh và việc mở chi nhánh ngân hàng VietinBank. CHLB Đức nói chung và bang Hessen nói riêng rất coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, coi đây là cửa ngõ cho nước Đức tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thủ hiến cho rằng việc tổ chức Diễn đàn Thương mại Đầu tư Việt – Đức tại Frankfurt là quyết định đúng đắn vì thành phố này là “nơi hội tụ những điều quan trọng nhất của Châu Âu”.