Tỉnh Gia Lai:

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản

Theo Nguyễn Diệp/Báo Gia Lai

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng chính quyền các địa phương tìm giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản nhằm hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Gia Lai đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: Nguyễn Diệp
Gia Lai đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: Nguyễn Diệp

Hiện nay, các loại nông sản chủ lực của tỉnh như: hồ tiêu, cà phê, mía, mì, điều… đã thu hoạch xong nên phần lớn được tiêu thụ hoặc chế biến, lưu kho chờ xuất bán. Hiện nông dân các địa phương đang thu hoạch rau củ quả vụ 1 cùng một số loại cây ăn quả.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ chậm khiến giá một số loại trái cây giảm so với năm 2020. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương, hợp tác xã (HTX) đang nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng ùn ứ.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa - Giám đốc HTX nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên HTX gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ gạo. Trước tình hình đó, HTX đã linh hoạt triển khai phân phối nhỏ lẻ đến các bạn hàng, đại lý trong tỉnh. Chỉ riêng trong tháng 8, HTX đã cung cấp gần 30 tấn gạo cho người dân TP. Pleiku”.

Còn bà Đỗ Thị Mỹ Thơm - Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) thì cho hay: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, HTX chuyển sang nhiều hình thức thu mua và kinh doanh khác nhau. Năm nay, giá chanh dây tăng cao nên HTX tiến hành thu mua cho người dân cao hơn giá thị trường từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg. Đối với sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường châu Âu được thu mua với giá 38-40 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, hiện nay, khâu vận chuyển hàng hóa gặp khó bởi các thủ tục cũng như chi phí vận chuyển, công bốc xếp tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song HTX vẫn cố gắng mỗi ngày cung cấp khoảng 2 tấn quả chanh dây cho bạn hàng để xuất sang châu Âu. “Hợp tác xã đang nỗ lực thu mua sản phẩm để bà con yên tâm đầu tư trồng mới. Đồng thời, HTX cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng người dân vượt qua dịch COVID-19”-bà Thơm nói.

Để duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản phối hợp cùng các địa phương triển khai rà soát, đánh giá từng loại sản phẩm giúp người dân tiêu thụ.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa-cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện thành lập tổ công tác phối hợp cùng các xã, thị trấn giúp người dân tiêu thụ nông sản. Hiện các xã, thị trấn đang rà soát, thống kê các loại nông sản trong giai đoạn thu hoạch và tìm hướng tiêu thụ giúp người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trong nước đã có những quy định thắt chặt lưu thông người và phương tiện ra vào. Điều này dẫn đến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng trong thời gian đầu. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh nên việc lưu thông hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp thuận tiện hơn.

“Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng ùn ứ nông sản. Thời gian tới, Tổ chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản của tỉnh cùng các địa phương sẽ kết nối kênh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố để tiếp tục tiêu thụ nông sản của tỉnh được thuận lợi” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm.

Ngày 28/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có Hướng dẫn số 2994/HD-SNNPTNT về sản xuất, tiêu thụ nông sản trong trường hợp thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch COVID-19. Theo đó, tiếp tục duy trì các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện có, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho người dân, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản diễn ra ổn định, thuận lợi, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh phải thực thi nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch.