Đẩy mạnh tham mưu xúc tiến xuất khẩu
(Tài chính) Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 264 tỷ USD, tương đương 150% GDP cả nước, trong đó có 23 nhóm hàng trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng của Việt Nam đã có mặt trên 200 nước, vùng lãnh thổ. Đóng góp vào thành công chung đó có sự nỗ lực của các tham tán thương mại trong việc phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia các tranh chấp thương mại, quảng bá sản phẩm Việt ở nước ngoài...
Nhiều rào cản
Điển hình là các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và ASEAN chưa được khai thác tốt. Trong khi đó, thương mại thế giới đang có xu hướng quay trở lại bảo hộ mậu dịch với mật độ cao, khiến khả năng cạnh tranh mở rộng thị trường gặp không ít khó khăn, gây tác động bất lợi đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Vì vậy, thời gian tới, các thương vụ cần đẩy mạnh tìm hiểu, khai thác thị trường nước sở tại để công tác tư vấn, tham mưu chính sách được đúng tầm; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường...
Ông Bùi Thanh Sơn,
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiện đang có nhiều rào cản thương mại trong xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, trong đó có những mặt hàng quan trọng như tôm, cá tra, basa, giày dép.
Thương vụ đã xác định phải phối hợp với doanh nghiệp lớn, hiệp hội ngành hàng tham gia từng vụ tranh tụng, làm việc với các luật sư trong từng vụ việc để chống lại các vụ kiện tụng, nên năm 2013 đã thắng vụ kiện tôm khi mức thuế chống bán phá giá thấp.
Bên cạnh đó, xác định Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, thương vụ thường xuyên cập nhật các chính sách mới được ban hành ảnh hưởng đến hàng hóa Việt Nam liên quan đến rào cản kỹ thuật, thị trường để thông báo, kiến nghị các bộ, ngành trong việc hoạch định chính sách, cũng như đồng hành với doanh nghiệp, hiệp hội trong việc ứng phó các vụ việc liên quan.
Tuy nhiên, tại hội nghị tham tán thương mại 2013 vừa tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các tham tán cần phải làm tốt hơn nữa việc tư vấn chính sách cho Chính phủ, Bộ Công Thương để có những thay đổi trong đổi mới tư duy, đột phá trên cơ sở quy chiếu từ các thị trường.
Đặc biệt, thương vụ cần có tiếng nói tốt hơn, chặt chẽ hơn trong phối hợp để “đưa đất nước đi lên, bởi không thể nói chúng ta giỏi nhưng cứ nghèo mãi được”.
Tăng liên kết, chia sẻ thông tin
Dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tính đến tháng 11 đã có 765.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tuy nhiên số hoạt động chỉ khoảng 540.000 doanh nghiệp.
Qua các điều tra của VCCI, bên cạnh các yếu tố tác động như cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, pháp lý, vấn đề thị trường được doanh nghiệp quan tâm nhất, ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh, vay vốn, tuyển dụng lao động và tác động lớn đến niềm tin kinh doanh là hàng tồn kho. Những băn khoăn này của doanh nghiệp sẽ được giải tỏa nếu các tham tán tiếp tục quảng bá đến doanh nghiệp Việt Nam thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là những mặt hàng có thế mạnh như thủy sản, nông sản...
Bên cạnh đó, các tham tán chủ động hơn nữa trong cung cấp các báo cáo nghiên cứu chuyên ngành về xu hướng tiêu dùng tại các nước, thực trạng và tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước sở tại. “Để có thông tin thì phải có kinh phí. Điều này có thể thực hiện thông qua VCCI nhằm hình thành dịch vụ này, bởi nếu chỉ xin thông tin, truy cập trang web tìm kiếm một cách đơn thuần sẽ có ít giá trị” - bà Hằng chia sẻ.
Về việc thu hút đầu tư, đại diện VCCI cho biết hiện VCCI có cơ sở dữ liệu của gần 700 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, cơ khí, nhựa, điện tử, dịch vụ công nghiệp. Do vậy, các tham tán có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, hoặc muốn tìm hiểu về khả năng cung ứng linh kiện hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang quan tâm nhiều đến việc mua bán sáp nhập. Do vậy, tham tán có thể quan tâm hơn để có thể tìm hiểu, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới Việt Nam, từ đó tạo mối liên kết, lựa chọn đối tác phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có được những hợp đồng mua bán có lợi hơn.
Theo Tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng, trong hoạt động xúc tiến thương mại, hiện nay có thực tế là về vĩ mô, các hiệp định kinh tế đã được xử lý tốt nhưng lại hổng ở các địa phương. Do vậy, công tác phối hợp cần được làm tốt hơn, nhất là phần chuẩn bị nội dung khi tìm hiểu hợp tác, đàm phán. “Có những đoàn đi đàm phán xúc tiến thương mại xuất khẩu nông nghiệp nhưng lại không nói rõ được tên cụ thể mặt hàng cần xuất khẩu” - ông Dũng nêu thực tế.