Để chiến lược đầu tư mang lại hiệu quả
Để đầu tư ngành thành công và hiệu quả, BSC khuyến cáo NĐT cần lưu ý đến những yếu tố nền tảng và xu hướng để đoán định thị trường và ra quyết định đầu tư phù hợp...
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), sau quá trình phục hồi vào đầu quý I/2019, đến nay định giá của TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức tương đối hợp lý so với khu vực xét trên chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) và P/B (Giá cổ phiếu/Giá ghi sổ sách).
Thêm vào đó NĐT cần cân nhắc yếu tố tăng trưởng lợi nhuận (EPS) - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (+11% so với cùng kỳ năm trước), tiến độ thoái vốn các DNNN đầu ngành, khả năng nâng hạng thị trường thì có thể thấy thị trường Việt Nam tương đối hấp dẫn.
Tuy nhiên xét trên từng ngành thì mức chiết khấu có sự dao động khác nhau. Các ngành của Việt Nam nếu so sánh với trung vị của nhóm nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan thì hầu như tương đối rẻ hơn về mặt định giá. Cụ thể, với ngành tài chính, hệ số P/E và P/B của Việt Nam lần lượt là 13,51 và 1,57 thì chỉ số này tại Indonesia 17,1 và 1,0; tại Malaysia các hệ số này lần lượt là 11,79 và 1,12; còn tại Philippines là 15,55 và 1,34.
Với ngành hàng tiêu dùng, hệ số P/E và P/B của Việt Nam lần lượt là 12,14 và 1,76 thì tại Indonesia là 18,1 và 1,3; tại Malaysia là 32,12 và 2,68. Với ngành viễn thông, hệ số số P/E và P/B của Việt Nam lần lượt là 11,19 và 2,36 thì ở Median là 46,71 và 3,13; ở Indonesia là 48,6 và 26; còn tại Philippines là 46,71 và 3,64…
Vì vậy để đầu tư ngành thành công và hiệu quả, BSC khuyến cáo NĐT cần lưu ý đến những yếu tố nền tảng và xu hướng để đoán định thị trường và ra quyết định đầu tư phù hợp.
Thứ nhất, đó là sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và việc điều chỉnh dự phóng tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lần thứ 3 hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức thấp nhất 3,3%, giảm so với mức 3,7% cuối năm 2018 và mức 3,5% vào đầu năm 2019.
Trong dự báo này, IMF cũng hạ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 2,5% xuống mức 2,3%, hạ tăng trưởng Eurozone từ 1,6% xuống 1,3% và dự báo tăng trưởng Trung Quốc ở mức 6,3% so với mức 6,6% năm 2018. Tuy nhiên theo IMF, triển vọng tăng trưởng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm 2019 và năm 2020 (tốc độ tăng trưởng kinh tế dự phóng đạt 3,6%) nhờ vào quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ ở các quốc gia lớn.
Thứ hai, là về chiến tranh thương mại. Chính quyền ông Trump đã quyết định nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ mức 10% lên 25% kể từ ngày 10/5 và đang lên kế hoạch áp thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc hiện đang chưa chịu thuế. Phía Trung Quốc cũng không chịu lép khi quyết định nâng thuế lên 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang càng làm mờ thêm triển vọng kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, là về hàng hóa và lạm phát. Theo BSC, giá cả các loại hàng hóa đã có sự phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu năm 2019 cũng là những tín hiệu tích cực tác động lên chiến lược đầu tư ngành từ nay đến cuối năm. Các nhóm tăng giá gồm có: năng lượng dầu, khí và than; một số kim loại như sắt, thép, Nikel và nhôm; và cao su...
Thứ tư và chính sách tiền tệ thay đổi chuyển sang xu hướng nới lỏng. Tháng 3/2019, Fed đã phát ra tín hiệu không tăng lãi suất trong năm 2019 và kết thúc thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ từ cuối năm 2015. Chương trình thắt chặt định lượng (QT) cũng sẽ được Fed dừng lại vào tháng 9/2019.
Theo BSC, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục giữ lãi suất ở mức kỷ lục đến hết năm 2019 do các yếu tố địa chính trị, Brexit. Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng lạm phát có thể lên mức kế hoạch. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có bước chuyển đổi sang chính sách “thận trọng và thích hợp”, qua đó có xu hướng nới lỏng một số chính sách tiền tệ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với nhiều NHTM và ngân hàng nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình tài trợ vốn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); cắt giảm thuế VAT đối với ngành sản xuất từ mức 16% về mức 13%.