Để ngân sách không hao hụt vì... túi nilon

PV.

Việc sử dụng các sản phẩm sạch là một yêu cầu mà người dân phải hiểu biết và thực hiện. Lâu nay chúng ta mới chỉ dừng ở kêu gọi và tuyên truyền chứ chưa có chế tài xử lý vi phạm. Đơn cử như trong tiêu dùng, người dân vẫn đang tiếp tục sử dụng túi nilon và các hộp đựng từ nhựa tái chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiêu dùng thông minh trong mỗi gia đình là hạt nhân trong giữ gìn và bảo vệ môi trường

Tác hại của việc dùng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày: Chúng ta đều biết túi nilon tiện dụng nhưng lại để hậu quả lâu dài về sinh thái, theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn.

Túi nilon gây tác hại ngay từ khâu sản xuất bởi vì việc sản xuất túi nilon phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia chủ yếu được sử dụng là chất hoá dẻo, kim loại nặng, phẩm màu… là những chất cực kỳ nguy hiểm tới sức khoẻ và môi trường sống của con người, do đó trong quá trình sản xuất sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khoẻ con người.

Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp chúng dưới đất sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và Fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ,…và đặc biệt trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hoả nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít Sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất có hại cho phổi.

Túi nylon là sản phảm thứ cấp của ngành công nghiệp dầu, không phải là tài nguyên có thể hồi phục được. Theo nghiên cứu đánh giá, lượng dầu thô làm ra 1 túi nylon bằng lượng dầu thô dùng để lái một chiếc xe trên đoạn đường dài 115m. Vì vậy, trên thế giới hiện nay, năng lượng để sản xuất trung bình 6,4 tỷ túi nylon dùng trong một năm đủ để lái một chiếc ô tô đi trên một đoạn đường dài 80 triệu km2 (hay khoảng 20.000 lần vòng quanh thế giới).

Theo thống kê, mỗi gia đình ở Việt Nam hiện trung bình dùng 8 túi ninlon/ngày, hàng năm, cả nước tốn kém hàng tỷ đồng để tái chế sản xuất túi nilon và cũng tốn thêm một lượng tiền không nhỏ để tiêu hủy rác thải và bảo vệ môi trường.

“Theo cảnh báo của chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới, nếu GDP của Việt Nam tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần, đến năm 2025 có thể gấp 4-5 lần. Trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại ô nhiễm môi trường làm mất 3% GDP”

Trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta phải dành ra 47.452 tỉ đồng kinh phí cho sự nghiệp môi trường, trong đó ngân sách Trung ương - 6.622 tỉ đồng, ngân sách địa phương - 40.830 tỉ đồng. Riêng trong năm 2015, tổng chi cho công tác bảo vệ môi trường là 11.400 tỉ đồng, tăng 14,2% so với năm 2014. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế: Chưa giải quyết triệt để các điểm nóng về môi trường; khai thác tài nguyên quá mức, thiếu bền vững; vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng; bố trí kinh phí còn dàn trải, chưa ưu tiên các dự án xử lí ô nhiễm cấp bách; vẫn còn tình trạng không giải ngân hết, phải chuyển sang năm sau hoặc sử dụng nguồn ngân sách không đúng mục đích; Chưa có công nghệ phân loại và xử lý rác thải hiện đại, hầu hết rác thải dân sinh vẫn đang được đổ ra bãi rác để người dân tự phát vào tìm bới các nguyên liệu kim loại, nhựa, giấy...

Để ngân sách không hao hụt vì... túi nilon - Ảnh 1

Một số túi nilon làm từ chất dẻo không độc hại nhưng phân tử đơn lẻ của chất này lại có khả năng gây ung thư

Hành động của chúng ta

Thấy rõ những tác hại của việc sử dụng túi nilon Việt Nam đã phát động các phong trào “nói không với túi nilon”, “ngày không túi nilon”… và trong các siêu thị đã bán các túi sử dụng nhiều lần khi đi chợ… Tuy nhiên, nhìn ra xung quanh, trong các gia đình và ngay chính chúng ta vẫn chưa từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon với lý do tiện dụng và miễn phí (trong các chợ truyền thống cũng như trong nhiều siêu thị, vẫn cung cấp túi nilon cho khách hàng).

Để không để lại hậu quả cho con cháu mai sau, không tự mình chôn vùi trong đống túi nilon, chúng ta phải tham khảo kinh nghiệm của các nước, phải thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn. Cụ thể:

- Ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân huỷ.

- Đánh thuế nặng đối với sản xuất túi nilon.

- Yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nilon khi mua hàng để khuyến khích người dân tái sử dụng túi nilon hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

- Cấm nhập khẩu dây truyền sản xuất túi nhựa tái chế, tăng thuế đối với sản phẩm túi nhựa nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường.

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng những cách sinh động, hữu hiệu hơn nữa… để người dân hiểu và hưởng ứng. Làm sao để hạn chế và đi đến chấm rứt hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng túi nilon.

Để giải quyết các thách thức về môi trường, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh; đẩy mạnh việc ứng dụng những công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; kiên quyết không cấp phép đầu tư cho những dự án tiềm ẩn tác động xấu tới môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu để tránh biến Việt Nam thành "bãi rác công nghệ" của thế giới... Và việc làm thường xuyên là kêu gọi tiêu dùng xanh (tiêu dùng sạch).