Để những cơ hội đầu tư không rời bỏ Việt Nam

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Hơn bao giờ, một môi trường đầu tư theo đúng nghĩa “thị trường”, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, đang được các nhà tổ chức, nhà đầu tư quốc tế hết sức quan tâm.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ 2013 (VBF), đổi mới môi trường đầu tư một lần nữa lại được đặt ra. “Cứ nửa năm một lần, chúng ta lại cùng nhau ngồi đây trong căn phòng này, lắng nghe xem Việt Nam đang phấn đấu để phát huy hết các tiềm năng như thế nào - và chúng ta đã được nghe nhiều kiến nghị rất hay”, phát biểu tại phiên khai mạc VBF, ông Mark Gillin - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), nói.


ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TỪ THÁNG 3/2011 ĐẾN THÁNG 3/2013
Để những cơ hội đầu tư không rời bỏ Việt Nam - Ảnh 1
Đơn vị: tỉ USD

Nửa năm nhìn lại

Nửa năm qua, tức nửa năm cuối của 2012, đã có bao nhiêu thay đổi về môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Ở góc độ vĩ mô, chương trình được kỳ vọng nhiều nhất là cam kết và quyết tâm thực hiện tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế mà Chính phủ đã hoạch định. Song, chương trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế hiện vẫn đang được đánh giá là triển khai chậm.

Vấn đề của thị trường vốn và hệ thống ngân hàng Việt Nam – một trong ba mũi nhọn trọng tâm của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, mãi đến đầu tháng 6 này, mới có lối thoát – Sự ra đời của công ty quản lý Tài sản quốc gia. Một hệ thống tín dụng khó khăn vì nợ xấu, vì nền kinh tế ngập ngừng giữa bóng ma lạm phát và tốc độ tăng trưởng mà bài toán đánh đổi đầu tư cho tăng trưởng nóng đã không còn khó thấy hệ quả, tất nhiên, nói như ông Mark Gillin, vốn không phải khó khăn của riêng quốc gia Việt Nam.

Trong nửa cuối năm 2012, điểm sáng nhất và có ý nghĩa nhất đối với việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, có lẽ vẫn là những bước tiến của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP).

“Mang lại cơ hội mới để Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết hiệp định này, với tăng trưởng về xuất khẩu và GDP có khả năng sẽ cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác. Nếu Việt Nam có thể tận dụng tất cả lợi thế, thì TPP sẽ có thể tạo điều kiện giúp cho khu vực tư nhân tiếp cận các thị trường trọng yếu dễ dàng hơn, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, và mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam, các công ty và người dân nơi đây. Tăng trưởng thương mại sẽ kéo theo đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm, thu nhập, nguồn thu thuế, xuất khẩu, ngoại hối và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cũng cho phép Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý, đóng góp vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa của Việt Nam. Việc Việt Nam hoàn thành công Hiệp định TPP là rất quan trọng đối với cộng đồng DN Hoa Kỳ tại đây và sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư và tăng cường cơ hội cho tất cả mọi người”, đại diện Amcham chia sẻ.

Điều đáng nói là Hiệp định TTP vẫn mới chỉ đang trong giai đoạn chưa hoàn tất. Mọi chuyện vẫn đang ở thì “sẽ” của tương lai. Hơn thế, chính Amcham cũng đã nhấn mạnh, Việt Nam sẽ chỉ được hưởng ích lợi thật sự, nếu… Bài học từ đàm phán đến hội nhập WTO, nếu chúng ta tận dụng tốt, mà ta đã đáng tiếc chưa thật sự tận dụng tốt với các điều khoản hợp lý và ích lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, như nhận xét của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, hẳn không phải là bài học nhỏ so với TTP.

Nửa năm qua như vậy, chúng ta chưa có gì để vội mừng.

Những thay đổi kế tiếp

Có rất nhiều kiến nghị về cả môi trường kinh doanh, các chính sách nhằm cải thiện kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường, cổ phần hóa DN, minh bạch trong các giao dịch quốc tế, bao gồm giao dịch mua bán DN... Song, có lẽ điểm nhấn quan trọng nhất trong các kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế, các nhà tài trợ đối với Việt Nam, vẫn là những nỗ lực hành động thực sự đối với các cam kết, các lời hứa.

Chẳng hạn, với hệ thống ngân hàng, sự minh bạch trong một giai đoạn hệ thống thực sự khởi động xử lý nợ xấu và tái cấu trúc toàn phần là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, theo các diễn giả quốc tế tại VBF, Thông tư 02/TT-NHNN đang kéo lùi cơ hội đến gần hơn với sự minh bạch.

Trong một diễn đàn khác diễn ra chỉ vài ngày trước VBF, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, một người đã kinh qua 4 đời Thủ tướng của Việt Nam và có vai trò không nhỏ trong tư vấn chính sách tiền tệ ở Việt Nam, cho hay lẽ ra Thông tư 02 đã không bị trì hoãn, nếu các… DN không phản ứng quá mạnh. Cũng theo ông Nghĩa, hiện tại NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đủ 4 chuẩn quốc tế bao gồm quản trị DN, báo cáo kiểm toán và kế toán tài chính, chỉ tiêu an toàn và, quản trị rủi ro, tiến tới đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới: Giai đoạn tiếp cận và hoạt động theo Basell III theo thông lệ quốc tế.

Nhưng ngược lại với những dự định lạc quan có thể sẽ... sớm được triển khai này, trong mắt các tổ chức quốc tế, vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang còn chưa thực sự minh bạch. “Sự trì hoàn Thông tư 02 là một tín hiệu cho thấy ngân hàng Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để tiến đến minh bạch”, nhiều chuyên gia phát biểu bên lề VBF.

“Sự trì hoãn Thông tư 02 là một tín hiệu cho thấy ngân hàng Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để tiến đến minh bạch”, nhiều chuyên gia phát biểu bên lề VBF.

Không tập trung vào các vấn đề vĩ mô, Chủ tịch EuroCham Preben Hjortlund nhấn mạnh rằng việc tiến hành các cải cách trong lĩnh vực kinh tế và tài chính là rất cần thiết.

“Nếu Việt Nam muốn hướng đến một mô hình phát triển kinh tế bền vững có sức cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cần phải thu hút nguồn FDI nhiều hơn và với chất lượng tốt hơn. Để được như vậy, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục tập trung các nỗ lực trong quý 2/2013 vào việc giải quyết ba vấn đề tổng quát: giá cả, vai trò của DNNN, và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không, điều này sẽ tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư và nguồn vốn FDI sẽ vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng của nguồn vốn này”.

Nỗi niềm FDI

5 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của khu vực FDI vào Việt Nam là 8,517 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, nếu so 2012 với cùng kỳ năm trước, thì đã diễn ra một sự sụt giảm đăng ký nước ngoài vào Việt Nam và hết năm, FDI đăng ký chỉ đạt 13,013 tỉ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ 2011.

Điểm “an ủi” của FDI 2012 là lượng giải ngân vốn tăng lên ước tính bằng 95,1 % so với cùng kỳ năm 2011, rút ngắn khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân lần đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư. Và Việt Nam đã chính thức bắt đầu chú trọng hơn vào việc nâng cao chất lượng dòng vốn FDI sau nhiều làn sóng đầu tư thay vì nhiều năm trước chỉ chăm chú thu hút về số lượng.

Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2013, lượng giải ngân vốn của FDI vào Việt Nam dù được đánh giá có thể khả quan, chỉ đạt 4,58 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2012. Đáng lưu ý là một số dự án lớn từ năm 2012 đến đầu 2013 đã bị rút giấy phép do chậm triển khai hoặc bị “đứt gánh” giữa chừng, nhà đầu tư rút lui “không kèn không trống”.

Có 2 câu hỏi mà AusCham – Hiệp hội DN Úc tại Việt Nam đặt ra, khiến những ai quan tâm đến vấn đề đổi mới môi trường đầu tư, thu hút FDI, đều rất nóng lòng được biết kết quả, bởi điều này này thể hiện sự đổi mới nhằm thu hút vốn FDI vào Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, là: Thứ nhất, tại sao ngày càng ít nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam hơn? Thứ hai, Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nguồn FDI? Có lẽ đây cũng là 2 câu hỏi rất cần có những hành động cụ thể được thể hiện, ít nhất trong nửa năm còn lại của 2013, thay cho những câu trả lời!