Để tiền trong thẻ ATM: Đừng mất bò mới lo làm chuồng!
Bảo vệ tài sản trong thẻ ATM bằng cách chủ động sử dụng dịch vụ thông báo qua tin nhắn.
Mới 9 giờ sáng, chị Thu Hằng hốt hoảng gọi điện thoại mách người thân rằng chị chuẩn bị chạy ra ngân hàng rút hết tiền để trong thẻ vì sợ mất. Chuyện xuất phát từ một đồng nghiệp ngồi kế bên mới đầu giờ sáng đã khóc lu loa với cả phòng là bị mất tiền trong thẻ khi đang ngủ.
Theo lời kể của chị Hằng, vào lúc hơn 8 rưỡi tối ngày 16/10/2016, trong lúc chị Trang (đồng nghiệp của chị Hằng, cũng là người chủ thẻ) đang ở nhà cùng gia đình tại số 131/138/1 Đường 2/4, phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang thì nhận được tin nhắn báo thẻ ATM của mình đang được giao dịch. Thẻ ATM đang giao dịch tại thời điểm đó đang ở trong ví của chị Trang cùng với 4 thẻ ATM của hệ thống ngân hàng khác.
Theo đó, các tin nhắn chị nhận được là: 20 giờ 32 phút tài khoản bị rút 2.000.000 đồng; 20 giờ 33 phút rút 2.000.000 đồng; 20 giờ 34 phút rút 2.000.000 đồng; và tin nhắn cuối là 20 giờ 35 phút rút 3.003.000 đồng.
Ngay khi đọc được tin nhắn, chị Trang đã gọi lên tổng đài của ngân hàng mà mình mở thẻ để khóa lại thẻ. Sau đó, do phải vào làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, nên sáng 17/10/2016 chị Trang làm đơn trình bày sự việc tại chi nhánh ngân hàng và được giao dịch viên thông báo trong vòng 7 ngày phía ngân hàng sẽ liên lạc lại để giải quyết sự vụ. Đến nay, chỉ sau 2 ngày xảy ra sự việc, phía ngân hàng đã liên lạc và thông báo trả lại đầy đủ số tiền bị trừ trong tài khoản của chị Trang.
Dù lấy lại được tiền, tuy nhiên câu chuyện trên vẫn đang là nỗi ám ảnh của người chủ thẻ tên Trang, cũng như những người bạn đồng nghiệp như chị Hằng. Nói như chị Hằng: “Không may gặp phải ngân hàng chây ì, không biết khi nào mới lấy lại được tiền. Tốt nhất là mang tiền về nhà để cho chắc ăn, được mất mình chịu, khỏi phiền hà…”.
Nhìn chung, khi xảy ra những vụ việc mất tiền thì hiện nay các ngân hàng đã có nhiều động thái đứng về phía khách hàng hơn. Thế nhưng, tâm lý e ngại vẫn hiện hữu, do sợ phiền hà, ngại thủ tục... Với những khách hàng may mắn có đăng ký dịch vụ tin nhắn thì có thể phát hiện sự việc sớm thì không nói.
Ngược lại, có những chủ tài khoản vì tiếc tiền phí dịch vụ, không đăng dịch vụ thông báo qua tin nhắn thì mọi việc trở nên phức tạp hơn. Thế nên, một số trường hợp khách hàng cực đoan đã quyết tâm mang tiền về nhà cất, thay vì để tiền trong tài khoản như trước đây.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, trong xu thế tiêu dùng hiện đại, việc từ chối sử dụng thẻ ATM hay các loại thẻ thanh toán khác vì sợ mất tiền cũng không phải là giải pháp tối ưu lúc này. Bởi, có rất nhiều trường hợp, chỉ dùng thẻ người tiêu dùng mới có thể thanh toán và nhận được ưu đãi.
Theo đó, thay vì cực lực phản đối chuyện để tiền trong thẻ thì người tiêu dùng nên có những cái nhìn thoáng hơn đối với dịch vụ này. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho mình những giải pháp tối ưu nhất để quản lý tài khoản ATM giống như quản lý chiếc ví để tiền mặt bên người.
Để làm được điều đó, trước hết, người tiêu dùng phải sở hữu nhiều loại thẻ với nhiều tính năng, sử dụng ở những trường hợp khác nhau. Ví dụ, với những trường hợp giao dịch qua mạng (Internet Banking), theo chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng, những thanh toán trong nước chỉ nên “xài” thẻ ATM chứ không nên sử dụng thẻ tín dụng quốc tế (Visa card, Mastercard, JCB).
Bởi vì, dùng thẻ ATM nội địa để thanh toán các dịch vụ qua mạng là phương pháp tốt hơn, vì loại thẻ này có tính bảo mật khá cao, khi thực hiện các giao dịch trực tuyến thì hầu hết đều yêu cầu xác thực OTP (One Time Password - mật khẩu sử dụng một lần).
Trong đó, mã OTP là mã được các hệ thống thanh toán online mặc định gửi đến người dùng qua tin nhắn SMS hoặc email, để nhập vào trong thời gian thực hiện giao dịch nhằm mục đích đảm bảo sự bảo mật một cách tối đa.
Đồng thời, thẻ ATM thường chỉ mất tiền trong trường hợp khách hàng không bảo vệ tốt thông tin thẻ. Người đánh cắp tiền trong tài khoản ATM thường rút trộm ở những cây ATM chứ không phải trực tuyến. Theo đó, việc thanh toán trực tuyến sử dụng bằng thẻ ATM có độ an toàn cao hơn rất nhiều, người chủ thẻ có thể yên tâm khi sử dụng thẻ này thanh toán.
Trong trường hợp hy hữu, chủ thẻ rơi vào trường hợp nhận tin nhắn thông báo bị rút tiền từ thẻ ATM thì như đã nói ở trên, liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ là việc đầu tiên nên làm. Nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sau khi được thông báo về các giao dịch bất thường, ngân hàng sẽ tiến hành điều tra.
Sau khi kết quả điều tra cho thấy khách hàng không thực hiện giao dịch thì ngân hàng sẽ trợ giúp khách hàng tìm những biện pháp pháp lý để lấy lại tiền.
Tuy nhiên, để có thể làm được điều này kịp lúc thì chính chủ thẻ phải chủ động đăng ký dịch vụ SMS Banking (nhắn thông tin giao dịch qua điện thoại ngay khi vừa thực hiện giao dịch). Thực tế, SMS Banking là cách bảo vệ rất hữu hiệu vì ngay khi phát hiện giao dịch bất thường, khách hàng có thể thông báo với ngân hàng để khóa tài khoản, ngăn việc bị mất thêm tiền.
Quan trọng hơn nữa là chủ thẻ phải bảo mật thông tin trên thẻ một cách tuyệt đối, thường xuyên thay đổi mật khẩu (ít nhất ba tháng một lần). Ngoài ra, để phòng tránh thiệt hại khi bị mất thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản, khách hàng cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, mã xác thực giao dịch OTP.
Không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên ngân hàng) qua điện thoại, email, mạng xã hội… Cần bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập (bằng mật mã hoặc vân tay…).
Quy trình lấy lại tiền bị mất trong tài khoản
1. Khóa thẻ: Thay vì bối rối tự tìm nguyên nhân vì sao tiền lại mất đi, cần bình tĩnh gọi ngay cho tổng đài ngân hàng yêu cầu khóa thẻ.
2. Kiểm tra tình trạng thẻ: Bình tĩnh nhớ lại xem những giao dịch thẻ gần đây nhất và kiểm tra lại các hóa đơn, cũng như thẻ xem còn nguyên vẹn trong tầm sở hữu của mình hay không.
3. Yêu cầu ngân hàng điều tra thẻ: chủ thẻ có thể gọi lên tổng đài tín dụng của ngân hàng chủ thẻ hoặc đến chi nhánh ngân hàng mở thẻ gần nhất để yêu cầu điều tra. Khi xác định được lý do mất từ đâu, chủ thẻ có thể yêu cầu ngân hàng hoàn trả số tiền đã mất về tài khoản.