Đề xuất quy định mới về dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng

BD

Theo dự thảo Thông tư đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức lấy ý kiến, những tổ chức hỗ trợ các Tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém sẽ được giảm 50% tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng thực hiện Thông tư này là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các tổ chức tín dụng sau: Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; tổ chức tín dụng chưa khai trương hoạt động; Tổ chức tín dụng có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.

Tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14 được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148 Luật này.

Cơ sở tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc là các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng, gồm: Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận, trừ tiền gửi của tổ chức tín dụng khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam; Tiền thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu.

Tiền gửi huy động bằng ngoại tệ làm cơ sở tính dự trữ bắt buộc là các loại ngoại tệ, được quy đổi thành USD để duy trì dự trữ bắt buộc bằng USD.

Trường hợp tổ chức tín dụng có số dư tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc bằng một trong các loại ngoại tệ EURO, JPY, GBP, CHF chiếm trên 50% tổng tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thì tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc ngoại tệ có thể được quy đổi và duy trì dự trữ bắt buộc bằng loại ngoại tệ này.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là đơn vị quản lý dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng: Thực hiện việc xác định dự trữ bắt buộc, thông báo dự trữ bắt buộc cho tổ chức tín dụng; xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng; trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ cho tổ chức tín dụng.