Đề xuất quy định mới về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân
Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc cơ quan Hội nông dân các cấp, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Việc quản lý, sử dụng vốn của Quỹ HTND phải đảm bảo an toàn, đúng mục đích và có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ của Quỹ theo quy định.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để kiện toàn tổ chức, đảm bảo và phát huy hiệu quả hoạt động
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND.
Theo Bộ Tài chính, Quỹ HTND được thành lập và hoạt động theo Văn bản số 4035/KTTH ngày 26/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ để huy động và tiếp nhận các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) để giúp nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có vốn phát triển sản xuất thông qua phương thức cho vay vốn. Quỹ không hoạt động vì mục đích kinh doanh và chịu sự quản lý và chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Sau hơn 25 năm thành lập và hoạt động, đến nay, hệ thống Quỹ HTND đã đạt được những kết quả nhất định, được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Theo báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hệ thống Quỹ HTND tổ chức thành 3 cấp (Quỹ HTND Trung ương, Quỹ HTND cấp tỉnh và Quỹ HTND cấp huyện). Đến ngày 31/12/2020, trên cả nước đã thành lập 718 Quỹ HTND các cấp với tổng nguồn vốn toàn hệ thống đạt khoảng 3.747 tỷ đồng.
Đến nay, khuôn khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ còn chưa đầy đủ, thống nhất, tính pháp lý chưa cao, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể về nội dung này. Do vậy, việc ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để kiện toàn tổ chức, đảm bảo duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND.
Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận
Theo Dự thảo Nghị định, Quỹ HTND là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc cơ quan Hội nông dân các cấp, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này.
Quỹ HTND có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu hoạt động của Quỹ HTND nhằm tạo nguồn lực, điều kiện, công cụ để đoàn kết, tập hợp, phát triển, nâng cao chất lượng hội viên nông dân; hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống nông dân; thúc đẩy hoạt động công tác Hội nông dân và phong trào nông dân.
Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ HTND gồm: Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn điều lệ được cấp từ NSNN theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan; Vận động các nguồn ủng hộ, tài trợ, viện trợ không hoàn lại cho hoạt động của Quỹ; Cho vay vốn đối với hội viên nông dân để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả…
Đối tượng, điều kiện và giới hạn cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân
Dự thảo Nghị định nêu rõ, đối tượng vay vốn của Quỹ HTND gồm: Hộ gia đình: Chủ hộ gia đình hoặc người đại diện hộ gia đình là hội viên Hội Nông dân Việt Nam; Thành viên Tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã là hội viên Hội Nông dân Việt Nam.
Điều kiện được vay vốn của Quỹ HTND gồm: Người đại diện vay vốn, người vay vốn phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; Người đại diện vay vốn, người vay vốn có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi Quỹ cho vay vốn;
Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; Dự án, phương án sản xuất, kinh doanh được Quỹ HTND đánh giá là khả thi, có khả năng trả được nợ vay và được UBND cấp xã xác nhận; Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; Phương án vay vốn phải được xây dựng thành dự án nhóm hộ nông dân.
Thời hạn cho vay của Quỹ HTND đối với khách hàng được xác định trên cơ sở khả năng thu hồi vốn, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, phương án đầu tư và khả năng trả nợ của khách hàng theo quy định tại quy chế cho vay của Quỹ HTND. Thời gian cho vay cụ thể đối với từng dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng do Quỹ HTND xem xét, quyết định.
Lãi suất cho vay của Quỹ HTND được xác định trong từng thời kỳ, theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí huy động vốn, chi phí quản lý và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động cho vay. Đồng tiền cho vay và thu nợ là VND.
Giới hạn cho vay đối với một dự án tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng không vượt quá 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ HTND được ghi trên báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính 6 tháng gần nhất.
Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng của Quỹ HTND không được vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ được ghi trên báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính 6 tháng tại thời điểm gần nhất.
Nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Quỹ Hỗ trợ nông dân
Cùng với các quy định trên, Dự thảo Nghị định nêu rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Quỹ HTND. Theo đó, nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Quỹ HTND phải đảm bảo an toàn, đúng mục đích và có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ của Quỹ theo quy định tại Nghị định này.
Quỹ HTND được gửi nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn...
Việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản của Quỹ HTND đảm bảo nguyên tắc sau: Quỹ HTND sử dụng cơ sở vật chất của cơ quan Hội nông dân các cấp để bố trí trụ sở làm việc; Việc đầu tư, mua sắm tản sản cố định và các tài sản khác (ngoài trụ sở làm việc) phục vụ cho hoạt động của Quỹ HTND tại mỗi cấp được thực hiện theo kế hoạch do Ban Thường vụ Hội nông dân cùng cấp phê duyệt và trong phạm vi nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của Quỹ.
Bên cạnh đó, khi bị xảy ra tổn thất về tài sản, Quỹ HTND phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:
- Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường. Thẩm quyền quyết định mức bồi thường thực hiện theo Điều lệ của Quỹ HTND. Việc xử lý trách nhiệm của người gây ra tổn thất thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
- Sử dụng khoản dự phòng được trích lập trong chi phí để bù đắp theo quy định của pháp luật.
- Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của Quỹ HTND…