Đến lúc này phải dằn túi vài xấp đôla
(Tài chính) USD tăng giá mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc sở hữu một vài xấp đồng bạc xanh của Mỹ là điều được nhiều chuyên gia tài chính, quỹ đầu tư thế giới khuyến nghị.
Đổi hết ra đô
"Đây thực sự là thời điểm tốt để sở hữu vài xấp đô la", tờ Washington Post của Mỹ viết câu đầu tiên trong bài "Kẻ được người mất khi USD tăng mạnh" mới đây. Khuyến nghị này được xem là đúng với nhiều nhà đầu cơ khi mà đồng bạc của Mỹ đã liên tục bứt phá trong thời gian vừa qua so với các ngoại tệ mạnh khác, trong đó có Euro.
Mặc dù đã liên tục tăng giá nhưng sức mạnh của đồng đôla Mỹ trên thị trường thế giới dường như chưa có dấu hiệu dừng lại cho dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn chưa ấn định thời điểm nào, trong năm nay hay trong năm tới, để tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục mọi thời đại - gần 0%/năm, chấm dứt một thời kỳ kéo dài hơn 6 năm thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm vực dậy nền kinh tế.
Giới đầu tư càng trở nên hào hứng với USD hơn khi mà một số tổ chức tài chính danh tiếng trên thế giới tiếp tục đưa ra các dự báo rất lạc quan về đồng tiền đầy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Trong một báo cáo gần đây, Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư nổi tiếng của Mỹ dự báo đồng USD sẽ ngang giá với Euro trong vòng nửa năm tới và một Euro sẽ chỉ đổi được 0,85 và 0,8 USD trong 2 năm tới, so với mức 1 Euro đổi 1,07 như hiện tại, hay 1 Euro đổi 1,4 USD ở thời điểm cách đây 1 năm.
Dự báo ông lớn Goldman Sachs được đưa ra sau khi đồng Euro đã giảm giá 13% so với USD trong khoảng 2 tháng rưỡi đầu năm và nó thấp hơn nhiều so với dự báo của chính định chế này đưa ra trước đó.
Người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ tại ngân hàng Goldman Sachs - ông Robin Brooks cho rằng, trong tháng 9/2015, đồng Euro sẽ lần đầu tiền từ cuối 2002 trở về ngang giá với đồng đô-la Mỹ.
Trước đó, một số nhà phân tích tại phố Wall không ngần ngại đưa ra dự báo triển vọng tăng giá trung hạn của đồng bạc xanh với lý lẽ rất đơn giản: dòng tiền đang đổ dồn vào đồng USD. Trong trung hạn, đồng Euro sẽ còn giảm giá so với USD do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE). Trong khi đó, Fed đang có kế hoạch làm điều ngược lại.
Về ngắn hạn, theo BK Asset Management, đồng Euro và một vài đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, có thể tăng giá trong ngắn hạn do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá của USD là không tránh khỏi. Với các ngoại tệ khác, phần lớn các dự báo cũng cho rằng USD vẫn đang diễn biến theo chiều đi lên.
Sẽ còn mạnh lên?
Trong phiên họp cả thế giới ngóng chờ hôm 18/3, Fed đã rất thận trọng cho biết, thời điểm nâng lãi suất sẽ được quyết định dựa trên các số liệu kinh tế (của Mỹ) có liên quan trong thời gian tới, có thể là vào tháng 6 hoặc cuối năm nay nhưng không phải là tháng 4.
Ngay sau cuộc họp của Fed, chỉ số USD nhanh chóng giảm 1,7% so với các đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ. Tuy nhiên, USD cũng đã nhanh chóng lấy lại sức mạnh của mình.
Sau khi vọt lên trên ngưỡng 1 Euro đổi 1,09 USD, đồng tiền chung của Liên minh Châu Âu trên thị trường châu Á sáng 19/3 đã quay đầu giảm và hướng trở lại về ngưỡng 1,07 xác lập trước đó.
Như vậy, mặc dù Fed đã cho rằng, tăng trưởng GDP Mỹ sẽ chỉ đạt khoảng 2,3% - 2,7% trong năm 2015, thấp hơn mức ước tính 2,6% - 3% hồi tháng 12/2014 nhưng dự báo mới này dường như vẫn không dập tắt kỳ vọng của giới đầu tư về đồng USD.
Trên thực tế, với Fed, đồng USD quá mạnh chưa hẳn đã là điều tốt lành. TTCK Mỹ có thể tụt giảm, thậm chí sẽ chứng kiến những cú sốc giống như trong quá khứ nếu lãi suất được nâng trở lại quá nhanh. Hàng loạt các công ty Mỹ đang làm ăn ở nước ngoài chắc hẳn sẽ đón nhận tăng lãi suất như một tin buồn, bởi doanh thu sẽ bị hao hụt đáng kể nếu quy ra đồng USD; xuất khẩu của Mỹ cũng sẽ gặp áp lực...
Dự báo GDP tăng trưởng chậm lại là một tín hiệu mà Fed muốn ám chỉ rằng, cơ quan quản lý tiền tệ Mỹ sẽ thận trọng trong việc tăng lãi suất. Lãi suất có thể sẽ chưa được điều chỉnh tăng trong tháng 6 tới đây như kỳ vọng của thị trường trước đó.
Mặc dù vậy, có một thực tế không thể thay đổi là: kinh tế Mỹ đang hồi phục và Fed không thể không thắt chặt chính sách tiền tệ vốn đã nới lỏng liên tục trong hơn 6 năm qua. Trong khi đó, kinh tế hàng loạt các khu vực khác như châu Âu, Nhật, Nga và cả các nền kinh tế mới nổi khác đang hồi phục rất chậm.
Eurozone đang đứng trước nguy cơ giảm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã khởi động chương trình nới lỏng chưa từng có, đẩy đồng Euro lao dốc so với rổ tiền tệ chính, trong đó có USD.
Đây có lẽ là lý do khiến Euro xuống xuống đáy 12 năm so với USD trong tuần này. Tuy nhiên, điều tồi tệ còn nằm ở chỗ: "Euro chưa có dấu hiệu được cải thiện trong vòng 2 năm tới" như Goldman Sachs dự báo.
Trong vòng một năm qua, chỉ số US Dollar Index đo lường giá trị của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế gồm Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, đô-la Canada, France Thụy sĩ và Krone Thụy Điển đã tăng từ dưới 80 điểm lên 99 điểm như hiện tại, và có khả năng vượt ngưỡng 115 điểm của năm 2002.