Địa phương cần sẵn sàng với hội nhập nông nghiệp
(Tài chính) Ngoài việc cập nhập thông tin đàm phán các hiệp định thương mại cho địa phương, các cơ quản quản lý cũng rất cần thông tin sản xuất từ các địa phương và doanh nghiệp để xác định lợi thế trong tiến trình đàm phán.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, KH&ĐT, Tài chính, Ngoại giao.
Việt Nam hiện có quan hệ thương mại ổn định với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương góp phần tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân.
Thời gian qua, tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong xuất khẩu hàng hóa luôn ổn định ở mức cao, đạt 26% đến 27%. Nông nghiệp là ngành duy nhất xuất siêu ra ổn định thị trường thế giới với mức 8,5 tỷ USD năm 2013, và 9,5 tỷ USD trong năm 2014. Hiện Việt Nam có 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu với kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Theo ý kiến của các đại biểu, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay ngoài việc hỗ trợ DN cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng những thương hiệu nông sản mạnh,… thì rất cần mở rộng cơ chế toàn diện về thông tin hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là những cơ hội, thách thức của những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và chuẩn bị ký kết, từ đó giúp DN và địa phương xây dựng chiến lược và giải pháp đối phó, chủ động hội nhập…
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại Chính sách đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ: Nếu như trước đây cơ quan quản lý Nhà nước là người cung cấp thông tin hội nhập cho các địa phương và DN về những yêu cầu của hội nhập, thì bây giờ, để đạt hiệu quả cao nhất thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất cần thông tin từ phía DN và địa phương để xác định những lợi thế, thế mạnh của từng vùng, khu vực và sản phẩm có lợi thế để đưa vào đàm phán đối với những thị trường xuất khẩu mà nông sản Việt Nam hướng đến, từ đó đảm bảo lợi ích cao nhất của chúng ta.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, hội nhập kinh tế quốc tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, là công cụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế cũng như ngành Nông nghiệp.
Mục tiêu chung của ngành đến năm 2030 phấn đấu phát huy toàn diện vai trò hội nhập kinh tế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi, tăng nguồn lực, mở rộng thị trường nhằm phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam bền vững, hiệu quả, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập người dân…
Ngành sẽ chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của khu vực và thế giới, tăng cường tiếp cận các thị trường nông sản quan trọng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: Việc thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cũng là tiến trình mà ngành chuyển từ bị động sang chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.