Dịch vụ bán lẻ Việt Nam trong khung khổ TPP
(Tài chính) Trong khung khổ đàm phán TPP, lĩnh vực dịch vụ bán lẻ Việt Nam có cơ hội để phát triển với cả các nhà bán lẻ trong nước, cả nhà bán lẻ nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức mạng lưới bán lẻ trong nước cũng có điều kiện để khai thác, đầu tư.
Dịch vụ bán lẻ thường chiếm từ 30-50% trong chuỗi giá trị, thậm chí còn lớn hơn, và là mối quan tâm lớn trong các cuộc đàm phán liên quan.
Tiềm năng cần tận dụng
Nước ta có khoảng 90 triệu người tiêu dùng, phần lớn là giới trẻ, một thị trường tiêu thụ rất lớn trong hiện tại và tương lai. Nếu lấy con số trung bình 1 người Việt Nam mỗi năm tiêu thụ ít nhất 100-200USD hàng hoá từ dịch vụ bán lẻ thì thị trường dịch vụ bán lẻ Việt Nam có dung lượng ít nhất từ 9 -18 tỷ USD/năm.
Cho đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là một thị trường có tiềm năng lớn do thu nhập của dân cư ngày càng được cải thiện và nhu cầu mua sắm của dân cư rất cao. Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ bán lẻ của các nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng rất lớn, cả về thu nhập trung bình lẫn thói quen tiêu dùng hàng hoá khổng lồ như Mỹ, Australia, Nhật Bản… với dung lượng thị trường bán lẻ lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, bên cạnh đó còn là tiềm năng thương mại điện tử từ các cường quốc thương mại điện tử này.
Có thể nói đây là những thuận lợi với các nhà bán lẻ Việt Nam nói riêng, nếu tận dụng nhanh được cơ hội khi TPP hoàn tất việc đàm phán.
Thách thức cần nhìn nhận
Ở nước ta, các nhà bán lẻ lớn trên thế giới xuất hiện khá sớm như METRO (Đức, từ năm 2002), BigC (Pháp, từ năm 1998)… nhưng chưa phải là các nhà bán lẻ từ các nước đàm phán trong Hiệp định TPP như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile… mà điều chắc chắn là họ cũng rất mạnh.
Thực tế hoạt động cung ứng dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam cho thấy nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam (như dệt may, nông sản, điện tử, đồ gỗ…) nhưng được bán tại các siêu thị với giá cao hơn nhiều so với mức giá trung bình tại các cửa hàng Việt Nam. Tuy nhiên, phần chênh lệch giá này thuộc về các siêu thị. Chính vì thế, việc mở cửa thị trường dịch vụ bán lẻ của Việt Nam sẽ là một trong những lĩnh vực hấp dẫn các đối tác đàm phán.
Điểm bất cập, hạn chế dễ thấy là hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ tư nhân, hệ thống chợ đầu mối, chợ bán lẻ… của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam, trong đó vấn đề nổi lên là tính chuyên nghiệp chưa cao, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống kênh phân phối chưa tương xứng với nhu cầu khách hàng vùng nông thôn.
Có thể nói đây là “khoảng trống” khá lớn ở thị trường dịch vụ bán lẻ của Việt Nam, cũng vì thế, “khoảng trống” này cũng dễ bị khai thác khi mở cửa thị trường trong TPP. Hệ quả là sự thâm nhập và cạnh tranh gay gắt từ các đối tác nước ngoài có thể khiến lĩnh vực dịch vụ bán lẻ trong nước bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của một lực lượng lớn lao động.
Hơn nữa, các cam kết mở cửa theo “gói dịch vụ” trong TPP với nguyên tắc “chỉ đàm phán những dịch vụ không được phép”, nghĩa là khi đàm phán đạt được sự nhất trí, các nhà cung ứng dịch vụ được phép cung ứng tất cả các loại dịch vụ, ngoại trừ các dịch vụ thuộc danh mục cấm.
Đây là cam kết mở cửa thị trường toàn diện hơn và rộng hơn so với các cam kết khác của Việt Nam. Cơ chế này tạo điều kiện khá rộng cho các nhà bán lẻ từ các nước đối tác tham gia hệ thống bán lẻ Việt Nam. Khi đó, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội hưởng lợi đáng kể từ việc mở cửa thị trường này (do hàng hoá đa dạng, phong phú chủng loại, mẫu mã, thương hiệu, chất lượng cao và giá cả cạnh tranh). Các loại hàng hoá kém chất lượng, giá cả thiếu cạnh tranh… có thể không còn chỗ đứng trên thị trường.
Hệ thống bán lẻ trực tuyến cũng là cách thức có thể được các nhà bán lẻ của các nước đối tác TPP khai thác triệt để. Các phương thức bán lẻ thông qua hệ thống mạng, email, facebook, twitter, sàn giao dịch, thậm chí cách thức "truyền miệng"… cũng sẽ được triệt để tận dụng. Chẳng hạn, Amway (Tập đoàn hàng đầu thế giới về bán hàng đa cấp, có trụ sở tại Mỹ) đã khai thác cách thức xây dựng hệ thống phân phối thông qua phương thức truyền miệng khá hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Làm gì để "thích nghi"?
Để thích nghi với TPP, các nhà bán lẻ Việt Nam cần tăng khả năng liên kết nội bộ thành các chuỗi cung ứng chặt chẽ đối với từng loại mặt hàng từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ (như từ “ao nuôi đến bàn ăn" đối với hàng thuỷ sản hoặc các mặt hàng nông sản khác); phát triển chuỗi siêu thị hoặc hệ thống bán lẻ lớn hơn nhằm giảm tính manh mún, rời rạc, phát triển tính chuyên nghiệp; bảo đảm khối lượng hàng hoá phong phú, đa dạng, chất lượng cao, giá cạnh tranh, kết nối rộng rãi cả các nhà cung cấp trong và ngoài nước nhằm hoạt động hiệu quả trên thị trường trong nước để sẵn sàng cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Nếu xuất hiện việc sáp nhập hoặc mua lại hệ thống bán lẻ của Việt Nam thì khi thương thảo, không để mức giá quá thấp, vì đó là giá của cả một hệ thống.
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cần có chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ sang các nước đối tác trong TPP để tận dụng cơ hội thị trường, nguồn hàng phong phú của Việt Nam, tận dụng kinh nghiệm từ việc tổ chức hệ thống bán lẻ của các nước để phát triển hệ thống của mình. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu của các chuỗi siêu thị, thương hiệu hàng hoá Việt Nam để tăng uy tín của hệ thống cũng như của hàng hoá Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước và nước ngoài.
Các nhà bán lẻ Việt Nam có tiềm lực như Co.op Mart, Co.op Food… cần xây dựng chiến lược mua lại các siêu thị, cửa hàng hoặc hệ thống bán lẻ của các nước đối tác để nhanh chóng thâm nhập vào thị trường bán lẻ của các nước thành viên như thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Về phát triển mạnh thương mại điện tử để phù hợp với các cam kết khá rộng về dịch vụ này, chúng ta cần chuẩn bị nguồn lực về đội ngũ doanh nhân kinh doanh bán lẻ, nhân viên bán hàng chuyên nghiệp trực tiếp và trực tuyến có thể làm việc ở các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật hàng nhập khẩu cũng cần được hoàn thiện và thắt chặt hợp lý nhằm loại bỏ các hàng hoá thiếu tiêu chuẩn, kém chất lượng.