Điểm mới trong điều hành thị trường chứng khoán năm 2013
Cùng với 8 nhóm giải pháp đã trình Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đề xuất 5 nhóm giải pháp khác để phát triển và tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) .
2012: những gam màu tối - sáng
Số liệu của UBCKNN cho thấy, năm 2012, tổng huy động vốn cổ phần và cổ phần hóa là 18.000 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2011; trong đó, huy động vốn phát hành mới của DN niêm yết là gần 11.000 tỷ đồng. Số vốn huy động được quá thấp so với nhu cầu cho thấy, TTCK Việt Nam, với sứ mệnh trở thành kênh dẫn vốn cho DN và nền kinh tế, năm 2012 đã chưa hoàn thành được vai trò của mình.
Với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân các DN niêm yết 9 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 8%, thay vì con số 12,3% năm 2011, hiệu quả sinh lời các DN giảm mạnh, dẫn đến mức độ hấp dẫn của hàng hóa chứng khoán giảm. Thêm vào đó, TTCK suy giảm khiến trên 60% DN niêm yết có thị giá thấp hơn mệnh giá, càng làm hoạt động huy động vốn cổ phần rơi vào khó khăn.
Về điểm sáng, năm 2012 đánh dấu bước tăng trưởng vượt bậc trong huy động trái phiếu, nhưng là trái phiếu chính phủ, chứ không phải trái phiếu DN. Tổng giá trị huy động trái phiếu chính phủ năm 2012 tăng 92% so với năm 2011, đạt 152.000 tỷ đồng.
TTCK bị ảnh hưởng không nhỏ từ khó khăn vĩ mô, nhưng thanh khoản tính chung cả năm tăng đáng kể, đặc biệt sau khi Sở GDCK kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng lệnh thị trường. Quy mô giao dịch bình quân đạt 2.158 tỷ đồng/phiên (tính cả trái phiếu), tăng 55% so với năm 2011; trong đó, giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt bình quân 1.304 tỷ đồng/phiên, tăng 28% so với năm 2011.
Đáng chú ý, dù năm 2002 TTCK được dự báo sẽ phải chứng kiến sự thoái lui đầu tư của NĐT nước ngoài, nhưng trên thực tế, với sự tham gia ngày một tích cực của các quỹ đầu tư chỉ số, NĐT chiến lược…, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2011. Trong số này, vốn gián tiếp nước ngoài vào thuần trên TTCK đạt 300 triệu USD.
Đối với nhóm CTCK, công ty quản lý quỹ, năm 2012 tiếp tục là một năm khó khăn. Trên 50% CTCK thua lỗ. Đối với các công ty quản lý quỹ, số đơn vị hoạt động cầm chừng, thua lỗ ít hơn, chỉ 14 trên tổng số 47 công ty.
Xu hướng chọn lọc CTCK, công ty quản lý quỹ năm 2012 tiếp tục diễn ra. Tài sản quản lý bởi các công ty quản lý quỹ tập trung chủ yếu vào các công ty trực thuộc ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán. Những CTCK mạnh tiếp tục lãi lớn. Với 11 CTCK đã bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, 3 công ty quản lý quỹ đang bị xem xét đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sức ép thanh lọc các CTCK, công ty quản lý quỹ yếu kém trong thời gian tới sẽ ngày một lớn hơn, đặc biệt là sau khi Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính tổ chức kinh doanh chứng khoán được sửa đổi, bổ sung.
2013: mở huy động vốn và tái cấu trúc TTCK
Theo UBCKNN, tăng trưởng GDP năm 2013 dự kiến cao hơn năm 2012; lạm phát, lãi suất, tỷ giá… được kiềm chế; Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN và khung pháp lý thị trường đã tương đối hoàn chỉnh, nhưng kinh tế vĩ mô và TTCK vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, mục tiêu của UBCKNN trong vận hành TTCK là duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển và tái cấu trúc TTCK.
Ngoài 8 nhóm giải pháp đã trình Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho TTCK và các DN niêm yết, UBCKNN đề xuất 5 nhóm giải pháp khác để phát triển và tái cấu trúc TTCK, bao gồm: 1) các giải pháp về cơ chế, chính sách, đề án; 2) hoàn thiện khung pháp lý; 3) phát triển các sản phẩm mới và tăng cường tính đa dạng, chất lượng hàng hóa trên TTCK; 4) tăng cường giám sát, tái cấu trúc TTCK; 5) đầu tư hệ thống công nghệ.
Cùng với kiến nghị gỡ khó cho DN huy động vốn, trong đó DN được phép chào bán dưới mệnh giá, UBCKNN kiến nghị một loạt chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích triển khai các công cụ đầu tư mới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Đây sẽ là những động lực quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác huy động vốn cho DN niêm yết năm nay. Diễn biến khả quan của TTCK những phiên giao dịch đầu năm 2013 là một tín hiệu cho thấy, dòng tiền trong nền kinh tế đã sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Điểm nhấn thứ hai của TTCK năm nay được nhận định là việc tiếp tục tái cấu trúc các CTCK và tái cấu trúc TTCK. Cạnh tranh ngày một gay gắt, trong khi UBCKNN đã và sắp bắt đầu áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến kiểm soát rủi ro, cảnh báo sớm CTCK, cũng như rút ngắn thời gian kiểm soát đặc biệt và đặc biệt, việc ban hành Thông tư thay thế Quyết định 27 về thành lập và tổ chức hoạt động CTCK…, các CTCK yếu kém sẽ nhanh chóng bị thanh lọc.