Điều hành tỷ giá: Không thể thả gà ra đuổi

Theo doanhnhanonline.com.vn

(Tài chính) Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam tiếp tục tạo nên những tranh cãi bất tận về vai trò của đồng bạc xanh trong tương quan với đồng nội tệ.

Điều hành tỷ giá: Không thể thả gà ra đuổi
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công bằng mà nói, so với những năm trước thì việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày Thống đốc Nguyễn Văn Bình ngồi ở ghế “nóng” đã bài bản hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái ngược về việc NHNN đã ghìm tỷ giá ở một mức khá lâu.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã được duy trì ở 20.828 đồng/USD từ đầu năm 2012 đến giữa năm 2013 mới điều chỉnh 1 điểm phần trăm, lên 21.036 đồng/USD. Và sau một năm, NHNN mới lại được điều chỉnh thêm 1 điểm phần trăm nữa vào ngày 18/6 vừa qua. Trước đó, hôm 8/6, Thống đốc Bình khẳng định: “Chưa có điều kiện để điều chỉnh tỷ giá” nên quyết định điều chỉnh tỷ giá được đưa ra lần này khá bất ngờ, tất nhiên là chỉ với giới không thạo tin. Cũng có thể lý giải là do “đáp lại” lời Thống đốc Bình, những ngày sau đó tỷ giá trên thị trường luôn ở mức kịch trần, gây sức ép lên cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Thống đốc chịu sức ép này, vậy tại sao ông vẫn quyết định điều chỉnh vào thời điểm này? Thay mặt NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, khẳng định: việc điều chỉnh tỷ giá là để hỗ trợ xuất khẩu – một chủ đề gây bàn cãi lâu nay về vai trò hỗ trợ xuất khẩu của chính sách tỷ giá. Thế nhưng một số chuyên gia kinh tế sau đó lại cho rằng, việc hỗ trợ xuất khẩu thông qua tỷ giá là không mấy hiệu quả và đây chỉ là lý do thứ yếu trong lần điều chỉnh tỷ giá này của NHNN.

Rõ ràng NHNN đang chịu sức ép lớn từ thị trường về việc chưa tăng tỷ giá lần nào trong năm nay, bởi Thống đốc đã từng tuyên bố: “Nếu có điều chỉnh thì không quá 2%”. Thêm nữa, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2014 tăng 4,98% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tăng 1,38% so với thời điểm cuối năm 2013. Nếu so với kế hoạch năm của Chính phủ là giữ lạm phát ở mức xung quanh 7% thì việc chỉ số CPI tiếp tục ở mức thấp là điều đáng lo ngại.

Thông thường việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến CPI, gây áp lực lên lạm phát. Nhưng với diễn biến chỉ số CPI như hiện nay thì đây là thời điểm thích hợp để NHNN điều chỉnh tỷ giá, thay vì điều chỉnh vào những tháng cuối năm – thời điểm CPI thường có mức tăng đột biến. Và cho dù việc điều chỉnh tỷ giá có tác động đến CPI vào tháng 7 tới thì cũng là việc tốt. Vì lạm phát quá thấp không còn là thành công mà có thể sẽ được coi là thất bại của những nhà điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, ai được lợi khi NHNN điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này? NHNN cho rằng, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã rất tích cực bán ngoại tệ cho NHNN. Do đó, chỉ trong 5 tháng đầu năm mà NHNN đã mua được tới trên 10 tỷ USD. Thậm chí có ngân hàng đã bán âm trạng thái ngoại tệ của mình. Như vậy, theo NHNN các ngân hàng đã chịu thiệt trong lần điều chỉnh tỷ giá này. Thứ đến là những ngân hàng cho vay bằng đồng nội tệ với lãi suất của USD. Song theo một lãnh đạo vụ chức năng của NHNN: những thiệt hại lần này đối với các ngân hàng chỉ như… kiến cắn!

Siết lại tín dụng ngoại tệ

Con số thống kê từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, đang có sự mất cân đối lớn giữa huy động và cho vay bằng ngoại tệ: tăng trưởng tiền gửi ngoại tệ giảm 9,1%, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 7,2%. Điều này dấy lên mối lo ngại rủi ro thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng thương mại; tăng chi phí, tăng rủi ro đối với những doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ khi NHNN điều chỉnh tỷ giá. Nhưng về vấn đề này NHNN lại cho rằng, chưa đến mức lo ngại vì hiện NHNN vẫn quản khá chặt các trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ.

Nguồn huy động ngoại tệ giảm, liệu NHNN có điều chỉnh lãi suất và điều chỉnh như thế nào để đảm bảo độ hấp dẫn của đồng Việt Nam? Có thể với chỉ số CPI thấp như hiện nay và để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, khơi nguồn cho tín dụng… NHNN sẽ điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động tiền đồng. Hiện nay nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ mức 6%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng và 7 – 8,5%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng xuống còn tương ứng là 5% và 7%. Nếu so với lãi suất huy động USD (khách hàng cá nhân là 1%/năm, tổ chức là 0,5%/năm) thì lãi suất tiền đông đang cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, có một điểm cơ quan quản lý cần chú ý là nhiều doanh nghiệp hiện giờ không chỉ vay vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng trong nước mà họ còn vay của nước ngoài. Xu hướng này đang tăng vì lãi suất vay ngoại tệ nước ngoài hiện chỉ khoảng 3%/năm, trong khi vay ở Việt Nam là 4,5 – 7%/năm. Với những điều kiện nới hơn trong Thông tư 12/2014/TT – NHNN về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, có hiệu lực từ hồi giữa tháng 5 vừa qua, nguy cơ doanh nghiệp tìm vay vốn ngoại sẽ tăng mạnh.

Một vấn đề khác, tỷ giá trên thị trường tự do và ngay cả trong các ngân hàng luôn ở mức cao, không chỉ trước mà cả sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá. Thậm chí, hôm 25/6, Sở Giao dịch NHNN đã niêm yết tỷ giá ở mức 21.100 – 21.400 đồng/USD. Như vậy giá mua vẫn neo ở mức cũ còn giá bán tăng thêm 154 đồng, vẫn chưa đến mức trần. Còn trên thị trường, đến ngày 26/6, tỷ giá tiếp tục tăng, đặc biệt chiều bán ra: Vietcombank và Vietinbank niêm yết ở mức 21.300 -.360 đồng/USD; BIDV là 21.310 – 21.360 đồng… Giá bán ra của NHNN là cao nhất. Động thái này cho thấy NHNN không khuyến khích các ngân hàng thương mại đến mua ngoại tệ từ mình, cho dù họ vẫn cam kết có một mức giá thấp hơn dành cho những ngân hàng bị trạng thái âm ngoại tệ.

Giá bán USD tuy ở mức cao nhưng vẫn chưa chạm trần của NHNN. Khoảng cách ngày càng rộng giữa giá mua và bán ngoại tệ cũng cho thấy, thị trường vẫn còn kỳ vọng NHNN tiếp tục có những điều chỉnh về tỷ giá. Nhất là ngay sau bản báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đưa ra Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014, trong đó có những phân tích khá kỹ lưỡng về chính sách tỷ giá. Ủy ban này đề nghị nới biên độ dao động của tỷ giá lên hơn 1%. Liệu điều đó có diễn ra?

Nguồn tin từ NHNN cho biết, không thể có điều đó trong lúc này. Đã có hiện tượng găm giữ ngoại tệ trước khi NHNN điều chỉnh tỷ giá. Vì vậy, việc NHNN giữ giá bán cao sẽ buộc các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự điều tiết với nhau, bỏ khoản ngoại tệ mà họ đã găm giữ trước đó ra dùng. Hơn nữa, việc nới biên độ dao động không khác gì điều chỉnh tỷ giá, thậm chí còn nguy hiểm hơn, vì sẽ giống như nới cho dây diều dài ra. Và như vậy thì càng khó quản lý. “Chỉ với 1% như hiện nay đã đủ cho thị trường biến động rồi”, vị này nói.