Điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt
Chính sách tỷ giá trung tâm đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dư địa chủ động điều chỉnh linh hoạt hơn.
Quan sát thị trường những ngày qua, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia PGS - TS. Nguyễn Thị Mùi đánh giá tích cực những điều chỉnh trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN phù hợp với thực trạng diễn biến cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt chủ động hơn. Khi thấy xu hướng đồng USD giảm giá vẫn tiếp diễn, NHNN chủ động mua vào một lượng lớn để tăng dự trữ quốc gia. Song song với hoạt động này, NHNN đã tăng khối lượng tín phiếu NHNN với kỳ hạn dài hơn để hút bớt tiền đồng đã đưa ra mua ngoại tệ, không tạo áp lực cung tiền.
“Thực tế, đây không phải lần đầu NHNN xử lý tình huống thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền. Cái khó ở đây, thời điểm cuối năm cung tiền thường tăng cao, nếu xử lý không khéo lại tạo áp lực lên lạm phát. Do đó đòi hỏi NHNN vừa khéo chọn công cụ vừa phải theo dõi sát diễn biến lạm phát để thực hiện tiền bơm – hút nhịp nhàng. Điển hình như việc nới kỳ hạn tín phiếu từ 7 ngày lên 14 ngày với khối lượng khá linh hoạt theo lượng ngoại tệ mà NHNN mua vào để đảm bảo tăng dự trữ ngoại hối không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.
Điểm nhấn trong điều chỉnh chính sách tỷ giá những ngày qua là NHNN sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn khẳng định tính linh hoạt trong chính sách điều hành của NHNN. Với việc cho phép sử dụng sản phẩm mua kỳ hạn giúp các NHTM có thêm lựa chọn bán ngoại tệ cho NHNN trong tương lai với mức giá hiện tại, mà không lo giá sẽ giảm trong tương lai. Động thái này, theo đánh giá của một chuyên gia, sẽ mang lợi kép cho các NHTM, giúp các NH vừa chủ động cân đối nguồn ngoại tệ vừa có thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đang bước vào những tháng cao điểm.
Diễn biến tỷ giá những tháng qua được cho là khá bất ngờ đối với thị trường khi nhìn lại ¾ chặng đường đã qua. Hồi đầu năm, tỷ giá được cơ quan điều hành, hoạch định chính sách cũng như nhiều phân tích của các chuyên gia, tổ chức trong nước cũng như quốc tế đánh giá là chịu khá nhiều áp lực. Tỷ giá có thể tăng 2-3% từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016, nhất là đồng USD - đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỷ giá của Việt Nam mạnh lên. Cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm trước, nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh, lạm phát có khả năng tăng khi giá hàng hóa thế giới phục hồi…
Nhưng đến thời điểm này theo tính toán TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá chỉ tăng khoảng 1%, tổng mức tăng cả năm chỉ đến 1,5% cho thấy tỷ giá của Việt Nam khá ổn định. Cơ sở để NHNN có thể giữ tỷ giá ổn định được PGS. TS Nguyễn Thị Mùi nhận định chính là chính sách tỷ giá trung tâm đã bám sát diễn biến thị trường, tạo điều kiện cho NHNN có dư địa để chủ động điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn.
Dựa trên diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm áp lực lên tỷ giá vẫn còn nhưng không đáng kể. TS. Cấn Văn Lực lưu ý động thái FED có thể tăng lãi suất vào tháng 12 tới cũng có tác động nhất định, nhất là về tâm lý. Nên NHNN theo dõi sát hơn quan hệ cung cầu về ngoại tệ để có can thiệp kịp thời. “Ở Việt Nam, yếu tố thị trường có khi ảnh hưởng không lớn bằng yếu tố tâm lý. Vì vậy, công tác truyền thông cần phải đẩy mạnh hơn nữa dù thời gian qua đã thực hiện khá tốt”, vị này lưu ý thêm.
Chung quan điểm tỷ giá cả năm 2017 chỉ biến động ở mức 1-2% nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu khá thận trọng khi cho rằng, từ nay đến cuối năm vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, như FED có thể tăng lãi suất hay tình hình chính trị, quân sự diễn biến rất phức tạp. Nếu có xung đột quân sự xảy ra chắc chắn sẽ là một áp lực lớn lên điều hành tỷ giá trong nước khi đồng USD tăng giá. PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi cũng nhấn mạnh việc cần phải theo dõi diễn biến thị trường ngoại hối cuối năm, khi nhu cầu ngoại tệ lớn hơn, có nhiều khía cạnh tác động làm cho tỷ giá có xu hướng biến động... NHNN cần lường trước để tránh những cú sốc từ các yếu tố tác động bên ngoài, bên trong của nền kinh tế. Quan trọng nhất là làm sao điều hành giữ lãi suất ổn định. Vì tỷ giá, lãi suất có mối quan hệ rất mật thiết với nhau.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính): Giữ ổn định 2017, lạc quan cho năm 2018
Xét yếu tố nhập siêu, cán cân thương mại hiện tương đối cân bằng, không còn nhập siêu như trước nên áp lực cung cầu ngoại hối cũng không nhiều. Như vậy, áp lực về giá trị USD từ bên ngoài, áp lực cung - cầu là không lớn nên sẽ có điều kiện ổn định. Không có biến động quá lớn thì NHNN cũng sẽ giữ ổn định tỷ giá như hiện tại. Cũng cần giữ ổn định lãi suất. Tôi cho rằng khó có thể giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với cho vay dài hạn bởi phụ thuộc nhiều vào tình hình tiền gửi, nợ xấu…
Lạm phát toàn phần cao hơn chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Trong quý cuối cùng của năm, tôi cho rằng sẽ vẫn tiếp tục giữ ổn định, thậm chí sẽ tạo điều kiện khả quan cho những tháng đầu năm 2018. Bởi xét cho cùng, dù có tăng lãi suất thì cũng không thể tăng quá mạnh, và giá USD nhấn mạnh là khó đạt đỉnh như năm 2016. Và nếu như đồng USD chưa đạt đỉnh như năm 2016 thì sức ép bên ngoài cũng không lớn. Với tình hình trong nước, cán cân thương mại có thể thâm hụt, có thể thặng dư một vài tỷ USD theo tôi cũng không phải vấn đề quá lớn.
TS. LS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight: Áp lực trong, ngoài đều không quá lớn
Có nhiều yếu tố giúp cho tỷ giá có thể ổn định từ nay tới cuối năm. Thứ nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt khoảng 45 tỷ USD - một con số tương đối lớn so với giao dịch USD trong nước, thị trường USD của Việt Nam cũng như lịch sử từ trước tới nay. Đó là cơ sở để chúng ta có dư địa điều tiết, bình ổn tỷ giá. Thứ hai, trong điều kiện hiện nay, khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 21% tới cuối năm, như vậy là sẽ tăng cung tiền. Trong năm công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN không thể nào cùng lúc mở rộng tất cả. Lãi suất đang nỗ lực để giảm xuống, trong điều kiện hạn mức tín dụng tăng lên thì không thể nào để tăng tỷ giá lên được. Nếu tăng sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
Thứ ba, với khả năng tăng lãi suất của Fed, đối với thị trường vẫn có sự hoài nghi và còn là dấu hỏi. Bởi vậy, áp lực lên tỷ giá USD/VND chưa mạnh mẽ như đầu năm. Đây cũng là cơ sở để giữ ổn định tỷ giá tới cuối năm 2017. Thêm nữa, việc Trung Quốc có khả năng phá giá CNY để tăng cường xuất khẩu cũng khó có điều kiện xảy ra như năm 2016 nên gần như không có tác động tới tỷ giá USD/VND.
Minh Khuê thực hiện