Định giá chuyển nhượng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

TS. Đặng Thị Việt Đức

Sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa đã làm chuyển giá ngày càng trở thành một vấn đề cấp thiết đối với các quốc gia. Để quản lý hiệu quả hoạt động chuyển giá, các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế như UN, OECD đều đưa ra các định hướng liên quan đến xác định giá chuyển nhượng giữa các bên liên kết và trên thực tế, không ít các giải pháp đã cho kết quả tích cực mà Việt Nam có thể tham khảo để rút kinh nghiệm cho chính mình.

 Định giá chuyển nhượng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Việt Nam giống như các nước đang phát triển còn gặp nhiều khó khăn khi đối phó với vấn đề chuyển giá. Nguồn: Internet
Từ giải pháp định giá thị trường của một số quốc gia...
 
Khảo sát kinh nghiệm của 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - là những quốc gia phát triển có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam cho thấy, các nước này vốn không có cơ sở dữ liệu đầy đủ về các trường hợp giao dịch so sánh  trong nước. Do đó, Ấn Độ và Trung Quốc lựa chọn đối tượng so sánh theo từng trường hợp định giá cụ thể, phần nhiều vẫn phải dựa vào giao dịch độc lập từ các nước phát triển, nơi thông tin được công bố đầy đủ hơn. Còn với Nam Phi, cơ quan thuế và công ty nộp thuế dựa vào cơ sở dữ liệu thống nhất của châu Âu làm căn cứ so sánh mức giá và lợi nhuận. Việc lựa chọn cơ sở dữ liệu thống nhất có thể tạo  ra những thuận lợi nhất định khi thực hiện điều chỉnh các khác biệt trọng yếu về địa lý, kinh tế, chính trị và thị trường.
 
Trong quá trình đối chiếu thông tin, trường hợp giao dịch so sánh có khác biệt trọng yếu so với giao dịch liên kết thì việc điều chỉnh các khác biệt là bắt buộc. Tuy nhiên việc này rất phức tạp, trong nhiều trường hợp thậm chí dẫn tới tác dụng ngược. Đối với Nam Phi, do sử dụng cơ sở dữ liệu thống nhất từ châu Âu nên khi thực hiện các điều chỉnh chung về quốc gia (điều chỉnh về rủi ro quốc gia, rủi ro trái phiếu chính phủ), nước này luôn thận trọng và xem xét từng trường hợp cụ thể. Đối với Ấn Độ, trong nhiều trường hợp vẫn sử dụng mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) để điều chỉnh sự khác biệt. Mặc dù phương pháp này có nhiều khiếm khuyết liên quan tới danh mục tài sản thị trường, hệ số beta cũng như mức độ biến thiên lợi nhuận của chính bản thân tài sản đang xét tới. 
 
Quá trình phân tích so sánh giao dịch liên kết và giao dịch độc lập để định giá chuyển nhượng, các nước thường chú trọng tới chức năng, tài sản sử dụng của chủ thể tiến hành giao dịch, trong khi đó, rủi ro của việc kinh doanh - yếu tố quan trọng hơn, lại thường không được xem xét tới một cách chính thống. Bởi trên thực tế, rủi ro không thể tách rời với chức năng và tài sản của đơn vị kinh doanh, nhất là tài sản vô hình.

Theo đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã từng sử dụng phương pháp giá vốn cộng lãi để xác định giá chuyển đổi các tài sản vô hình trong trường hợp công ty con tại hai quốc gia này thực hiện chức năng nghiên cứu và triển khai (R&D), vì cho rằng hợp đồng R&D giống như một hợp đồng gia công thông thường, đơn giản và ít rủi ro. Tuy nhiên sau một thời gian, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhận thấy, bản thân công ty con sẽ phải gánh chịu rủi ro khi thực hiện chức năng R&D, vì vậy, phương pháp giá vốn cộng lãi không còn thích hợp.

Để thay thế, Trung Quốc sử dụng phương pháp phân chia lợi nhuận; Cơ quan quản lý chuyển giá Ấn Độ phân bổ bổ sung thu nhập cho các hoạt động R&D; còn Nam Phi thì coi bên liên kết nước ngoài chỉ là người cung cấp dịch vụ đăng ký và duy trì tài sản R&D vô hình, trong khi đó bên liên kết Nam Phi mới là người “sản xuất”, theo đó, lợi nhuận cũng phải phân chia theo chức năng và rủi ro tương ứng.
 
Tương tự như vậy, bán hàng, marketing và phân phối sản phẩm cũng là những chức năng mà các tập đoàn đa quốc gia thường đánh giá thấp mức đóng góp của các công ty con tại các nước đang phát triển. Trên thực tế, do điều kiện thị trường mới và đang phát triển nên chức năng này sẽ phức tạp hơn. Theo đó, cơ quan thuế Trung Quốc đã cố gắng khắc phục những khó khăn trên bằng cách sử dụng phương pháp phân chia lợi nhuận, trong đó tài sản và con người là yếu tố quyết định.
 
 ... đến bài học cho Việt Nam
 
Từ những phân tích trên có thể lưu ý một số bài học trong việc định giá trong giao dịch liên kết đối với Việt Nam.
 
Thứ nhất, khi chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ để phục vụ cho phân tích so sánh trong định giá chuyển nhượng, Việt Nam có thể nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu thống nhất của một hoặc một vài nước khác, hoặc một tổ chức quốc tế. Trước tiên có thể dùng cơ sở dữ liệu của nước phát triển, sau đó tăng cường hợp tác, trao đổi về cơ sở dữ liệu chuyển giá giữa các nước đang phát triển có điều kiện kinh tế, thị trường tương đồng với mình để có thông tin hỗ trợ phân tích định giá chuyển nhượng.
 
Thứ hai, kinh nghiệm của các nước cho thấy, rủi ro cũng là một phần quan trọng trong việc xác định giá chuyển đổi; rủi ro đi kèm với chức năng và sẽ định rõ chức năng thực sự của các bên liên kết trong giao dịch chuyển giá. Tuy vậy, việc đo lường rủi ro của giao dịch liên kết để điều chỉnh khác biệt trọng yếu (nếu có) vẫn đang là thách thức. Trong khi chưa có phương pháp chung, Việt Nam có thể áp dụng mô hình định giá tài sản vốn (như Ấn Độ) để hỗ trợ. 
 
Thứ ba, Việt Nam cần quan tâm đúng mức sự ảnh hưởng của lợi thế vị trí (LSAs) tới giá chuyển nhượng trong các giao dịch liên kết. Lợi thế vị trí thể hiện đa dạng ở nhiều khía cạnh, nên muốn xác định ảnh hưởng của lợi thế vị trí tới giao dịch liên kết, ngoài phân tích giao dịch liên kết cụ thể thì việc phân tích vĩ mô và ngành là rất cần thiết.
 
Thứ tư, thực tế của các nước cũng chỉ ra rằng, tài sản vô hình là lĩnh vực phức tạp, nhưng cũng là lĩnh vực trọng tâm trong việc định giá chuyển đổi của giao dịch liên kết thời gian tới. Các tài sản vô hình kèm theo hoạt động nghiên cứu và triển khai hay bí quyết marketing, bán hàng và phân phối sản phẩm đều thể hiện những đặc thù riêng so với các giao dịch liên kết về tài sản hữu hình. Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng về định giá chuyển nhượng tài sản vô hình để có các giải pháp định giá tốt hơn, nhằm chống các hành vi chuyển giá trong lĩnh vực này.
 
Việt Nam cũng như đa phần các nước đang phát triển còn gặp nhiều khó khăn khi đối phó với vấn đề chuyển giá. Tuy nhiên, bằng cách liên tục học hỏi, rút kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với các quốc gia khác và với các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ các giải pháp để quản lý và giám sát hoạt động chuyển giá vốn đầy khó khăn và thách thức, không chỉ đối với Việt Nam mà còn diễn ra ở cả các nước phát triển trên thế giới.