Black Friday:
Định kiến mua hàng qua mạng ở Việt Nam chưa thể xóa bỏ
Dù có tốc độ phát triển nhanh và có nhiều cải tiến nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thực sự tin tưởng vào các dịch vụ thương mại điện tử trong nước.
Black Friday “lên ngôi” trên mạng Mỹ
Trong dịp "Black Friday" năm nay, theo phân tích của công ty Clavis Insight, Amazon cũng là địa chỉ giảm giá sâu nhất, với mức ưu đãi trung bình lên tới 42%, so với 33% tại Wal-Mart, 35% ở Target và 36% tại Best Buy.
Doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ tăng mạnh trong ngày mua sắm "Black Friday", trong khi các cửa hàng và trung tâm thương mại gặp khó khăn trong việc "hút" khách.
Theo chỉ số Adobe Digital, doanh thu bán hàng trực tuyến chạm mốc 1,65 tỷ USD tính đến 13h ngày 25/11 (giờ Mỹ), sau khi đạt 1,13 tỷ USD trước đó 1 ngày - ngày Lễ Tạ ơn 24/11, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Bán lẻ quốc gia (NRF) ước đoán tổng doanh thu mùa lễ này có thể tăng 3,6%, lên đến 655,8 tỷ USD, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng trong mua sắm trực tuyến.
Target và Wal-Mart, 2 trong số các nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ, đều thông báo mức doanh thu trực tuyến thuộc hàng cao trong dịp Lễ Tạ ơn năm nay. Trong khi đó, trang web mua sắm online Amazon kỳ vọng sẽ vượt năm ngoái về số lượng các mặt hàng đặt mua.
Hãng phân tích Cowen & Co cho biết lưu lượng khách hàng trực tuyến trong ngày mua sắm có thể tăng tới 20% so với năm 2015 trong khi lượng khách đến với các cửa hàng có thể sẽ giảm 3-4%. Trang web của chuỗi cửa hàng bán lẻ Macy's ghi nhận lượng truy cập lớn và phải 3 lần tạm thời chặn khách hàng vào trang web của mình.
Trong khi đó, tại các cửa hàng, không khí mua sắm bắt đầu nhộn nhịp từ buổi chiều, tuy nhiên, lượng khách hàng lựa chọn phương án mua sắm truyền thống vẫn bị áp đảo so với sự nhảy vọt trong doanh số bán hàng trực tuyến.
Khách hành cho biết tại các trung tâm mua sắm lớn tại New York và Chicago, lượng người tập trung không đông như những năm trước.
…và cả ở Việt Nam
Ăn theo trào lưu Black Friday, các doanh nghiệp, cửa hàng tại Việt Nam đua nhau giảm giá các mặt hàng thu hút người tiêu dùng.
Dường như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Black Friday, các cửa hàng, shop thời trang... tại Việt Nam đều đồng loạt tung ra nhiều chương trình giảm giá mạnh ăn theo ngày Black Friday tại Mỹ.
Tuy nhiên, việc mua sắm hàng hóa trong nước trong năm nay lại không chiếm được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.
Tại một số con phố mua sắm tại Hà Nội như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Bà Triệu... các cửa hàng thời trang đua nhau giảm giá từ 10 - 70% cho hầu hết các mặt hàng. Các thương hiệu thời trang cao cấp như Nem Fashion hay Ivy moda đồng loạt giảm giá đến hơn 50%.
Ở các trung tâm thương mại như Vincom, Aeon Mall..., nhiều hãng thời trang, giày dép, nước hoa, mỹ phẩm, nội thất... cũng tham gia ngày mua sắm Black Friday năm nay. Các trang web bán hàng online nổi tiếng tại Việt Nam như Zalora, Lazada, adayroi... cũng tung ra chương trình giảm giá từ nhiều ngày nay.
Qua khảo sát, lượng khách mua sắm tại các cửa hàng, trung tâm thương mại khá đông, nhất là ở những cửa hàng thương hiệu lớn, giảm giá mạnh.
Tuy nhiên, năm nay, vẫn diễn ra thực trạng là một số cửa hàng tuy niêm yết rằng giá giảm đến 70 - 80%, đúng là giá có giảm nhưng những sản phẩm được giảm lại là những sản phẩm cũ, mẫu mã xấu, thậm chí còn sờn rách...
Còn những sản phẩm mới, mẫu đẹp lại chỉ giảm chưa đến 20%, trong khi mức giá niêm yết chính thức chưa giảm lại quá đắt. Điều này làm ảnh hưởng nhiều đến tâm lý mua hàng của khách hàng, không những thế lại gây ấn tượng không tốt về hình ảnh của các cửa hàng đó.
Trong khi đó, việc mua sắm online đang phát triển khá mạnh tại Việt Nam, cũng không đón nhận được nhiều mối quan tâm của giới tiêu dùng trong dịp Black Friday này. Bởi đối với việc mua hàng qua mạng thì chất lượng sản phẩm luôn là một ẩn số.
Hàng hóa dịch vụ nước ngoài vẫn “ghi điểm” hơn
Thực tế là các người tiêu Việt Nam ưa chuộng mua hàng ngoại dịp Black Friday khi các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp ở nước ngoài giảm giá mạnh các sản phẩm của họ.
Anh Tuân Đính (chủ shop order hàng nước ngoài trên Facebook) cho biết người tiêu dùng trong nước thường thích order hàng nước ngoài nhất là vào dịp mua sắm lớn nhất năm - Black Friday, bởi các thương hiệu nước ngoài khi giảm giá thường sẽ nhiều, còn chất lượng thì rất yên tâm.
Anh Tuấn chia sẻ, những ngày qua, lượng khách hàng đặt các sản phẩm thương hiệu nước ngoài như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha... đã tăng rất mạnh so với ngày thường.
Chị Nguyễn Thu Trà (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị không yên tâm khi mua hàng giảm giá ở Việt Nam vì rất khó nhận biết được giá trị thực của món đồ. Theo chị Trà, với mức giảm giá ở các thương hiệu thời trang ở Mỹ như Zara, H&M, Mango... trừ chi phí vận chuyển về Việt Nam, giá món đồ cũng chỉ ngang bằng, thậm chí rẻ hơn so với mua ở Việt Nam.
Nếu vận chuyển trực tiếp về Việt Nam thì giá thành có thể lên cao hơn một chút nhưng chị vẫn chấp nhận. Hay để tiết kiệm chi phí mua hộ, một số bạn của chị Trà còn nhờ chuyển đến địa chỉ nhà người thân ở nước ngoài sau đó gửi về Việt Nam theo đường xách tay.
Bên cạnh đó, các chính sách đổi trả hàng hóa của các shop nước ngoài lại linh hoạt, thân thiện hơn so với Việt Nam, những điều này đã ghi điểm tốt trong lòng của khách hàng.
Mặc dù mua sắm hàng hóa qua mạng tại Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong thời gian qua với sự xuất hiện của hàng loạt các doanh nghiệp trẻ Zalora, Lazada, Adayroi... gây dựng được uy tín với khách hàng song định kiến mua hàng qua mạng Việt Nam vẫn chưa thực sự được xóa bỏ.