Đổ tiền vào Việt Nam đón đầu TPP
(Tài chính) Bất chấp khó khăn vẫn còn hiện hữu do suy thoái kinh tế toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ.
Nhộn nhịp ngày hội đầu tư
Trong tháng 1/2014, nhiều địa phương đã mở ngày hội đầu tư, kết quả có 15 địa phương thu hút được các dự án mới và dự án tăng thêm vốn từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn FDI cả nước thu hút được trong tháng 1 đạt gần 400 triệu USD, trong đó dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ Singapore với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 132,65 triệu USD.
Địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất là Hải Phòng, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hải Phòng có 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, bao gồm dự án khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Việt Nam - Singapore Hải Phòng (VSIP) tăng vốn từ 145,9 triệu USD lên 268,2 triệu USD, nằm trong Khu Kinh tế Đình Vũ mà đích nhắm là nhà đầu tư Nhật Bản. Bình Dương có dự án của Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam tăng vốn thêm 40 triệu USD. Vũng Tàu có 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký và tăng thêm 61,54 triệu USD…
Đặc biệt là còn một số dự án “khủng” đang triển khai các thủ tục cần thiết để vào Việt Nam như Lọc hóa dầu Bình Định (của nhà đầu tư Thái Lan) có vốn đầu tư 27 tỷ USD. Tập đoàn Rose Rock của gia đình tỷ phú Rockefeller vừa ký thỏa thuận hợp tác phát triển tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng 2,5 tỷ USD ở vịnh Vũng Rô (Phú Yên) với đối tác Việt Nam là Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô.
Xu hướng tốt trong vài năm tới
TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng xu hướng hồi phục dòng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu do các nhà đầu tư đón đầu cơ hội Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán. Khi TPP được ký kết sẽ tạo ra những thay đổi trong thương mại, buộc các nhà đầu tư phải bố trí lại địa bàn và kết cấu sản xuất để tận dụng lợi thế từ TPP. Những thay đổi rõ nét nhất là về vị trí địa lý mà Việt Nam là một địa điểm phù hợp.
Bên cạnh đó, còn có sự bố trí lại sản xuất trong những ngành sản xuất lắp ráp mà Việt Nam vẫn có lợi thế về nhân công. Nhà đầu tư cũng đón đầu các cơ hội từ lợi thế đàm phán áp dụng cho một số ngành nghề có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, liên quan đến nội địa hóa trong phạm vi nội khối các nước tham gia TPP. Cho nên, sự lạc quan về thu hút FDI ở Việt Nam là một quá trình xảy ra một vài năm trước và sau khi TPP được ký kết, tức là có thể kéo dài từ năm 2013 đến 2014 và một vài năm tiếp theo.
Chung tâm lý lạc quan về thu hút dòng vốn FDI trong năm 2014, GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nguyên nhân do môi trường đầu tư của Việt Nam khá tốt. Cụ thể là chính trị ổn định, lạm phát và lãi suất đều giảm, cơ sở hạ tầng cứng (điện, đường, bến cảng…) và mềm (chính sách) dần được cải thiện.
Hơn nữa, về chủ trương thu hút FDI, Thủ tướng Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo phải làm mọi cách để năm nay, môi trường đầu tư không được thụt lùi, chỉ có tốt lên sau khi Ngân hàng Thế giới công bố bảng xếp hạng mức độ thuận lợi về kinh doanh (Doing Business 2014) cho thấy Việt Nam tụt 1 bậc so với năm trước.
Đặc biệt, Tập đoàn Samsung trong năm nay sẽ đạt quy mô sản xuất 230-240 triệu chiếc điện thoại tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản lượng 400 triệu chiếc điện thoại Samsung được sản xuất trên toàn cầu. Một số tập đoàn lớn cũng bắt đầu thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam, là cơ sở để phát triển công nghiệp phụ trợ của nước ngoài, kéo theo phát triển công nghiệp phụ trợ của doanh nghiệp trong nước. Đây là điều mà Việt Nam rất mong chờ.