Doanh nghiệp dệt may đón lõng các FTA
(Tài chính) Doanh nghiệp (DN) dệt may đang trong cuộc chạy đua đón lõng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam dự kiến sẽ ký kết trong năm 2015 - 2016, như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc, TPP…
Dù chỉ có 20 đối tác nhập khẩu Hàn Quốc, nhưng kết quả xuất khẩu lại rất khả quan.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hugaco cho biết, năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn với các DN xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhưng rủi ro và thách thức cũng không ít. Với quan điểm đó, ngoài thị trường lớn là Mỹ, EU vẫn phải duy trì tốt, thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được Công ty quan tâm đặc biệt, với các hạng mục đầu tư cụ thể.
“Nhu cầu tiêu dùng tại Hàn Quốc, Nhật Bản có nét giống nhau là không thích “đụng hàng”. Vì vậy, từ năm 2014, DN đã đầu tư các chuyền sản xuất áo lông vũ với lô hàng nhỏ khoảng 10.000 sản phẩm để xuất khẩu sang Nhật và phản ứng ban đầu là rất tốt”, ông Dương cho biết.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đang đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào hoạt động Dự án đầu tư lớn tại Trảng Bàng (Đồng Nai), với tổng mức đầu tư hơn 33,9 triệu USD. Nhà máy này dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2015.
Theo ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ, khách hàng của Công ty chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, với hơn 70% doanh thu của Sợi Thế Kỷ xuất khẩu sang châu Âu và châu Á, hướng tới đối tượng khách hàng chính là các nhà sản xuất vải cao cấp chuyên cung ứng cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Uniqlo, Decathlon, Puma, Columbia, Guess…
Như vậy, với dự án đầu tư tại Trảng Bàng, năng lực sản xuất của Công ty sẽ tăng lên 60.000 tấn sợi/năm, so với 37.000 tấn hiện tại, giúp Công ty nâng cao khả năng tiếp nhận các đơn hàng từ nhiều thị trường, trong đó có các thị trường mà Việt Nam chuẩn bị ký kết FTA, như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ…
Trong khi đó, ngay quý I/2015, Tổng công ty May Đức Giang sẽ đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình). Nhà máy được khởi công xây dựng tháng 11/2014, với tổng vốn đầu tư 158 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I đầu tư 100 tỷ đồng, quy mô 36 chuyền sản xuất, chuyên về các mặt hàng jacket và quần âu xuất khẩu, năng lực sản xuất 200.000 chiếc/năm.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT May Đức Giang cho biết, năng lực sản xuất hàng xuất khẩu được bổ sung sẽ giúp DN gia tăng được kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là với một số thị trường mà Việt Nam chuẩn bị ký kết FTA. Đơn cử, khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, các mặt hàng may mặc như quần và áo sơ mi nam, quần áo nữ, áo khoác, jacket, sợi cotton sẽ được Hàn Quốc bỏ thuế ngay.
Thực tế, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 2,4 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2013. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là các nhóm áo khoác, áo jacket, quần nam/nữ - những mặt hàng giống May Đức Giang đang đầu tư nhà máy sản xuất.