Doanh nghiệp kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Châu Âu
Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả đàm phán về Hiệp định Mậu dịch tự do (FTA) song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 tới.
Phát biểu tại Diễn đàn “Đối thoại FTA với EU, thúc đẩy hội nhập thương mại ASEAN - EU” tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, FTA giữa khu vực với khu vực hay các FTA song phương giữa từng nước ASEAN với EU đều nhắm đến mục tiêu cuối cùng là tăng cường hội nhập kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho các quốc gia và doanh nghiệp.
“Nếu FTA Việt Nam - EU được ký kết, việc cắt giảm thuế về 0% đối với ít nhất 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này sẽ là chìa khóa thúc đẩy mạnh mẽ dòng hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường của 27 nước thành viên EU”, ông Thái nói.
Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2011, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 5 của EU trong các nước ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại song phương 18 tỷ euro, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 12,8 tỷ euro và nhập khẩu từ EU 5,2 tỷ euro.
Trong 7 tháng đầu năm, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, với giá trị nhập khẩu hàng hóa 11 tỷ USD, chiếm 17,14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đại sứ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, việc ký FTA sẽ tác động rất tích cực đến nền kinh tế hai bên. Ngoài việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của EU vào Việt Nam, khi FTA này được ký kết, doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày, cà phê, thủy sản… ngay lập tức sẽ tiếp cận thị trường EU một cách dễ dàng hơn, đồng thời, hàng hóa từ EU vào Việt Nam cũng sẽ tạo thêm cạnh tranh trên thị trường nội địa. Điều này có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam, bởi có thể mua hàng giá trị cao từ EU với mức giá phù hợp.
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, FTA với EU có tác động tích cực đến ngành dệt may. FTA được ký kết sẽ làm giảm mức thuế quan 12% mà hiện EU đang áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam xuống còn 0%. Khi đó, lợi thế cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam sẽ được cải thiện, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này. “Chính vì vậy, trong quá trình đàm phán FTA, nếu được tham vấn, lấy ý kiến, ngành dệt may sẽ tham gia nhiệt tình để đạt được sự thuận lợi nhất cho ngành cả về đầu tư lẫn xuất khẩu”, ông Trường nói.
Tuy nhiên, da giày sẽ là ngành dễ tận dụng được cơ hội hơn cả, bởi tỷ trọng xuất khẩu sang EU của ngành này chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, khi đạt được thỏa thuận FTA, việc thuế suất bình quân EU áp dụng đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam giảm từ 12,4% hiện nay xuống còn 0% sẽ khiến giày dép xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn tại thị trường này, giúp tăng xuất khẩu trong những năm tới.
Còn đối với thủy sản, việc áp dụng thuế suất 0% (thay vì mức 10,8%) sẽ tạo động lực tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác cùng xuất khẩu vào EU.
Cơ hội mở cánh cửa xuất khẩu sang EU thông qua ký kết FTA là rõ ràng, nhưng sẽ không chỉ toàn màu hồng. Các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam đã lường trước điều này.
Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu là các sản phẩm thô, hàng hóa thực phẩm, như rau quả, thủy sản…, nên sẽ gặp khó khăn theo hướng liên hoàn, bởi khi một vài sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng dây chuyền tới hàng loạt sản phẩm khác. Đặc biệt, EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng để đưa hàng vào thị trường này.