Doanh nghiệp Việt đang đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Bước sang năm 2015 với một loạt các Hiệp định thương mại đã và đang chuẩn bị được ký kết là cơ hội lớn để doanh nghiệp (DN) Việt “bơi” ra biển lớn. Tuy nhiên, cũng là thách thức không nhỏ khi mà phần lớn DN vẫn "loay hoay" chưa xác định được vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Doanh nghiệp Việt đang đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Hiện chỉ có 36% DN Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Nguồn: internet

Chỉ có 36% DN tham gia chuỗi cung ứng

Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan... là những cơ hội lớn của DN Việt Nam để “hội nhập” với nền kinh tế toàn cầu. DN sẽ có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu với các nước ASEAN, các nước đã tham gia hiệp định thương mại tự do với ASEAN như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước phát triển trong nhóm TPP.

“Khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN không chỉ có được những thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn nhờ đó thu hút thêm đầu tư, chuyển giao công nghệ hiện đại, chuyển giao hệ thống quản trị tiên tiến và nâng cao chất lượng nguồn lực của mình để phát triển một cách bền vững, sâu rộng hơn”, ông Kiêm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay mới chỉ có 36% DN Việt tham gia vào mạng lưới này, trong đó đa số là các DN có quy mô lớn. Các DN còn lại là DN nhỏ, siêu nhỏ vẫn còn "mơ hồ" với cụm từ "chuỗi cung ứng toàn cầu".

“Tỷ lệ này là quá thấp so với các nước trong khu vực, ví như Thái Lan đạt 60%... Cũng chính vì vậy mà cho đến nay, trên thực tế, DN Việt hầu như chưa được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, từ chuyển giao công nghệ và nâng cao năng suất trong chuỗi cung ứng này”, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI đánh giá.

DN chưa “chuyên nghiệp”

Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, ông Kiêm cho rằng, hơn 90% DN Việt Nam là DNNVV với rất nhiều hạn chế như: lợi thế cạnh tranh thấp, thiếu tầm nhìn đến khả năng tham gia phân công lao động quốc tế...

“Tư tưởng của DN nhỏ vẫn cố hữu, họ chỉ có suy nghĩ là tham gia chuỗi cung ứng, tức là lắp ráp, gia công - khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, phải tham gia sản xuất sản phẩm chính mới là điều quan trọng mà các DN cần hướng đến khi hội nhập”, ông Kiêm phân tích.

Theo bà Hằng, muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN cần có được những sản phẩm công nghệ cao, có tính cạnh tranh cao và tạo nên giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, khả năng tài chính và công nghệ của DN Việt hiện nay còn yếu nên dường như chưa thể “với” được các tiêu chuẩn, yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay trình độ quản trị của lãnh đạo DN vẫn ở mức yếu, không được đào tạo bài bản nên bản thân họ chưa đề ra được chiến lược phát triển DN cũng như xác định con đường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đa số lãnh đạo DNNVV được hỏi đều cho rằng, họ vẫn còn rất “mơ hồ” khi nói đến hội nhập toàn cầu hay tham gia vào chuỗi cung ứng. Từ xuất khẩu hàng hóa hay tham gia gia công, lắp ráp cũng chỉ như một “cơ duyên” chứ không phải xuất phát từ chiến lược dài hạn được hoạch định từ trước. Điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của hệ thống DN nước ta, nhất là DNNVV”, bà Hằng nhận định.