Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận thủy sản bền vững

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Công ty Quốc Việt đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại châu Á đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản bền vững (ASC) sau khi trải qua quá trình đánh giá theo tiêu chuẩn của ASC.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đạt chứng nhận thủy sản bền vững
Trong tháng 10/2014, 22ha ao nuôi tôm của Công ty Quốc Việt đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội của ASC. Nguồn: internet
Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) vừa hỗ trợ Công ty Quốc Việt của Việt Nam trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở châu Á có vùng sản xuất tôm đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC).

Theo đó, trong tháng 10/2014, 22ha ao nuôi tôm của Công ty Quốc Việt đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội của ASC.

“Với chứng nhận ASC, các nhà sản xuất có thể vươn ra thị trường quốc tế và đặc biệt tới các quốc gia châu Âu – nơi có nhu cầu cao về các sản phẩm có trách nhiệm và đạt chứng chỉ”, bà Esther Luiten, Quản lý Chương trình marketing thương mại của ASC cho biết.

Công ty Quốc Việt bắt đầu hoạt động từ năm 1996 và đặt ra mục tiêu sản xuất được 20.000 tấn tôm trong năm nay và dự kiến tăng năng suất lên 25.000 tấn trong năm 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu từ các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, Australia, Canada và Hàn Quốc.

Quốc Việt chỉ là một trong những công ty nhận được sự hỗ trợ từ WWF-Việt Nam và IDH trong tiến trình đạt chứng nhận ASC.

Dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có thêm 3 vùng nuôi tôm với tổng diện tích 150ha đạt chứng nhận ASC. Trong những năm tiếp theo, WWF sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 4 công ty và 4 nhóm trang trại nhỏ khác đạt được chứng nhận này.

Hiện nay, có 13 vùng nuôi tôm của Việt Nam và Ecuador đang tham gia chương trình này.

Khi thực hiện theo tiêu chuẩn ASC, các vùng nuôi tôm phải đặt ra mục tiêu giảm các tác động về mặt môi trường và xã hội thông qua bảo tồn đất ngập nước và rừng ngập mặn; giải quyết các vấn về lây nhiễm virus và giảm thiểu mầm bệnh; mang lại nguồn nước sạch hơn và đảm bảo việc sử dụng bền vững nguồn nước; sử dụng nguồn thức ăn có trách nhiệm; và giải quyết các vấn đề về đa dạng sinh học.

WWF hỗ trợ các hộ nuôi trồng và sản xuất nhỏ đạt tiêu chuẩn ASC thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cán bộ và cải thiện quy trình sản xuất. Khi các vùng nuôi đạt được chứng nhận ASC, WWF kết nối họ với người mua tại các thị trường có nhu cầu chứng nhận ASC.

IDH thành lập Quỹ Nông dân trong quá trình chuyển đổi (FIT), một chương trình đồng tài trợ hướng tới mở rộng sản xuất có trách nhiệm của các vùng nuôi tôm, cá rô phi và cá tra. Chương trình hợp tác với các công ty cung cấp thực phẩm, bán lẻ và dịch vụ thực phẩm nhằm giúp đỡ các nhà sản xuất nâng cao quy trình sản xuất, đồng thời tích cực thúc đẩy sự tham gia của các chính phủ, các doanh nghiệp và các nhân tố khác tại quốc gia sản xuất.