Đổi mới phương thức quản lý vàng: Không dễ
(Tài chính) Đến thời điểm này, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã thực hiện được 18 tháng. Mặc dù đã có những kết quả tích cực ban đầu nhưng giá vàng trong nước vẫn có tình trạng diễn biến không thuận với giá vàng thế giới, đặc biệt là khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Vậy, có thể coi là thị trường vàng đã được bình ổn hay chưa?
Ngay cả trong Ngày Thần tài, khi lượng khách mua tại các cửa hàng vàng tăng gấp nhiều lần ngày thường, thì theo ghi nhận của các công ty kinh doanh vàng bạc, lượng vàng bán ra cũng chỉ bằng khoảng 1/10 so với thời gian cao điểm trước đây. Điều đó cho thấy một thực tế: lượng vốn người dân đổ ra để mua vàng đã giảm rất nhiều so với trước, nghĩa là số vốn chết trước kia đã có cửa khác để sinh sôi.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng thì có thể hiểu, vốn được đưa vào thị trường chứng khoán hoặc gửi tiết kiệm. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ có thêm vốn cho sản xuất kinh doanh.
Nhìn ở khía cạnh tài chính, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh Lê Thẩm Dương cho rằng: những gì đạt được trong thời gian qua về ổn định tỷ giá, về chính sách tiền tệ đều có phần đóng góp không nhỏ của vàng. Nếu giá vàng rung lắc, tỷ giá rung lắc thì nền kinh tế sẽ còn mất ổn định. Chúng ta có thể lập sàn vàng hay kéo giá trong nước sát giá thế giới, nhưng trước khi làm điều đó phải làm cho tâm lý người dân không còn hoang mang, không còn mang nặng tâm lý tích trữ vàng nữa.
Tuy nhiên, đa số chuyên gia tài chính lại không đồng tình với quan điểm này, vì cho rằng: những kết quả đã đạt được hiện còn mong manh, nếu vội vàng thả thì rất có thể thị trường vàng sẽ lại quay về giai đoạn lộn xộn trước kia. Nếu có cân nhắc thì chỉ là về việc đấu thầu vàng, đã đến lúc nên giảm dần lượng vàng đấu thầu và số phiên đấu thầu.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu cho biết: cùng với việc quản lý thị trường vàng thì còn cần rất nhiều động thái khác để bảo đảm niềm tin của người dân đối với đồng tiền Việt Nam. Có như vậy mới có thể dần dần nới lỏng công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Nghị định 24 của Chính phủ đang dần được cụ thể hóa bằng nhiều cách. Ngoài quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Đây được đánh giá là bộ quy chuẩn chi tiết nhất từ trước tới nay về đo lường và chất lượng vàng trang sức.
Trong đó, ngoài yêu cầu về hàm lượng vàng đủ tiêu chuẩn để chế tác trang sức, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các quy định về đo lường.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh, hoạt động kinh doanh vàng trang sức còn cần phải được siết chặt hơn nữa để tránh tình trạng lách quy định của Nghị định 24. Bởi lẽ, Thông tư 22 mới chỉ quy định về mặt chất lượng của vàng trang sức nhưng cần kiểm tra kỹ những cửa hàng nào đủ điều kiện kinh doanh vàng trang sức, tránh tình trạng biến tướng, kể cả việc ép vỉ tràn lan.
Siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng trong một năm rưỡi qua tuy vấp phải phản ứng của thị trường, nhưng thực tế cho thấy là phần được lớn hơn phần mất. Ngoài những thành tựu về mặt tài chính vĩ mô đã được nhắc tới, một số doanh nghiệp vàng lớn cũng cho biết sau khi áp dụng Nghị định 24, doanh số của doanh nghiệp vẫn tăng, do hoạt động mua bán tập trung hơn.
Đương nhiên, quản lý thị trường vàng theo phương pháp hiện nay vẫn chỉ là quản lý theo mệnh lệnh hành chính, và sớm muộn gì cũng cần phải nới lỏng quản lý. Nhưng điều kiện cần cho việc nới lỏng đó lại phụ thuộc vào chính người dân.
Khi nào người dân không còn mang nặng tâm lý trữ vàng như một khoản đầu tư, dự phòng rủi ro hoặc một phương tiện thanh toán thì khi ấy thị trường vàng mới có thể vận hành theo mô hình của thế giới, với sàn vàng quốc gia mà trong đó giao dịch vàng vật chất là phụ, giao dịch sản phẩm vàng phái sinh chiếm vị trí chủ đạo.