“Đóng cửa” tiêu cực bằng Cơ chế hải quan một cửa

(Baodautu)

Năm 2013, thí điểm áp dụng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh.

“Đóng cửa” tiêu cực bằng Cơ chế hải quan một cửa
Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) và Tổng cục Hải quan đã thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm Cơ chế hải hải quan một cửa (HQMC) trong lĩnh vực hàng hải tại các cảng biển thuộc quản lý của Cảng vụ hàng hải TP.HCM và Hải phòng.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ thành lập Nhóm công tác triển khai thực hiện thí điểm Cơ chế HQMC nhằm phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan để xây dựng mô hình triển khai và đề xuất biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm.

Đây bước đi quan trọng trong việc triển khai Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện Cơ chế HQMC.

Theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg, năm 2012, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông , Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thiện văn bản pháp lý, quy trình thủ tục; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin HQMC.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2013 sẽ thí điểm thực hiện Cơ chế HQMC ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông-Vận tải và một số cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc ngành tài chính, công thương và GTVT.

Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2014 sẽ mở rộng thí điểm ở các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường.

Năm 2013, Cơ chế HQMC được thí điểm áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh. Trước mắt chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có hàng hóa, phương tiện xuất-nhập khẩu đã tham gia thủ tục hải quan điện tử, đáp ứng điều kiện thực hiện thí điểm Cơ chế HQMC và cũng chỉ thực hiện tại các cục hải quan đã triển khai, thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Theo Cơ chế HQMC, thay vì việc phải trực tiếp đến cơ quan hải quan để thực hiện thủ tục hải quan, doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm sẽ khai và tiếp nhận thông tin khai báo về các thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử; thanh toán điện tử đối với các khoản thuế, phí và lệ phí thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Cơ quan hải quan phản hồi thông tin và trả kết quả cho cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử kết hợp với việc trả hồ sơ giấy (đối với các thủ tục chưa công nhận hồ sơ điện tử).

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, đến thời điểm này đã có 8 ngân hàng thương mại gồm, Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, VIB, Techcombank và Eximbank kết nối với cơ quan hải quan để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử đối với các khoản thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp tại 9/34 cục hải quan.

“Trong 8 tháng đầu năm 2012 có hơn 50% tổng số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (khoảng 124.000 tỷ đồng) đã được nộp bằng phương thức điện tử thông qua hệ thống ngân hàng thương mại”, ông Cường cho biết.

Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc đã nộp thuế theo phương thức điện tử nhưng vẫn bị cưỡng chế thuế trên hệ thống thông tin hải quan, ông Cường cho biết, cơ quan hải quan đang phối hợp triển khai mở rộng Dự án trao đổi thông tin giữa thuế-hải quan-kho bạc-tài chính nhằm giảm tối đa thời gian nhận thông báo tiền nộp thuế vào ngân sách từ Kho bạc Nhà nước.

Ông Cường đề nghị, để tránh tình trạng đã nộp thuế nhưng vẫn bị cưỡng chế thuế, doanh nghiệp cần chủ động tra cứu tình trạng nợ thuế trên website hải quan; liên hệ, xuất trình chứng từ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế khi cơ quan hải quan chưa nhận được thông tin doanh nghiệp đã nộp thuế từ Kho bạc Nhà nước.

Trong quý 4 này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về thủ tục hải quan điện tử. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thí điểm Cơ chế HQMC nhằm giảm thời gian xử lý thông tin; tăng mức độ tự động hóa trong việc thu thuế, phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Triển khai thí điểm Cơ chế HQMC, theo ông Tuấn, đây là một trong những bước đi quan trọng trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan. “Hiện có khoảng 65.000-67.000 ngàn doanh nghiệp thường xuyên kê khai hải quan, với 5-5,5 triệu tờ khai hải quan/năm, nếu thực hiện Cơ chế HQMC theo phương thức hải quan điện tử sẽ giảm được rất nhiều chi phí về thời gian, công sức của xã hội. Ngoài ra, Cơ chế này còn tránh được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu bởi việc thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế, phí của doanh nghiệp hoàn toàn tự động, nhân viên hải quan không có cơ hội để làm việc trực tiếp với người khai hải quan”, ông Tuấn phát biểu.

Cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực và phối hợp với các bộ, ngành để thí điểm triển khai Cơ chế HQMC, nhằm giảm tối đa thời gian, công sức cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan, ông Tuấn cho biết, năm 2012, ngành hải quan sẽ trang bị thêm 8 máy soi container, nâng tổng số máy soi container lên 11 chiếc.

“Bình quân mỗi năm có khoảng 5 triệu container hàng hóa nhập khẩu. Để kiềm chế nhập siêu, chống buôn lậu, gian lận thương mại thì cần phải kiểm tra thực tế 8-10% số container hàng nhập khẩu, mỗi container phải mất một ngày để kiểm tra thực tế nên mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Nhưng khi đưa máy soi container vào vận hành thì thời gian kiểm tra mỗi container chỉ mất khoảng 5 phút sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí và giảm được rất nhiều áp lực cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc thông quan hàng hóa”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu.