Đông Nam Á - điểm sáng của bức tranh kinh tế toàn cầu


Nền kinh tế thế giới năm 2023 đã phải đối mặt với quá nhiều cơn gió nghịch. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro kinh tế hay căng thẳng địa chính trị, Đông Nam Á được dự báo sẽ đón nhận những tín hiệu tốt trong năm 2024, trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế toàn cầu.

Tận dụng cơ hội mới và tăng cường hội nhập

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang phải đối mặt với một trong những mức tăng trưởng thấp nhất kể từ những năm 1960, dự báo sẽ chỉ tăng 4,4% vào năm 2024. Vì vậy trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc bị chững lại, những câu hỏi về tương lai của các nền kinh tế Đông Nam Á một lần nữa lại được đặt ra.

Có thể nói rằng, mối quan hệ thương mại của khu vực này đối với Trung Quốc từ trước đến nay luôn mạnh mẽ. Cụ thể, vào năm 2019, thương mại hàng hóa song phương đã vượt 500 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, mối quan hệ này đang dần mất cân bằng khi Đông Nam Á phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu của Trung Quốc, song tăng trưởng xuất khẩu lại ít hơn.

Ngoài Indonesia, quốc gia xuất khẩu hàng hóa được hưởng lợi lớn từ nhu cầu nguyên liệu thô từ các ngành đang phát triển nhanh như xe điện và pin mặt trời, thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của các nền kinh tế lớn của khu vực đã trì trệ trong thập kỷ qua. Điều này được cho là do đặc điểm chính sự tăng trưởng của Trung Quốc kể từ giữa những năm 2000 là sự phụ thuộc ngày càng giảm vào nhập khẩu. Tốc độ nhanh chóng trong việc chuyển hoạt động sản xuất về thị trường trong nước đã khiến Trung Quốc ngày càng ít phụ thuộc hơn vào các nước khác.

Dù vậy, có thể việc Trung Quốc chuyển trọng tâm sang sản xuất công nghệ cao sẽ giúp nước này bắt đầu nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng hơn từ các quốc gia Đông Nam Á. Chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc trong mảng dịch vụ cũng mang lại cơ hội tốt cho các nước láng giềng phía Nam của nước này.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế Đông Nam Á, nếu các nước trong khu vực tận dụng được các cơ hội mới và xu hướng sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Xu hướng này đem lại cơ hội đẩy mạnh thu hút đầu tư, xuất khẩu và tăng cường hội nhập quốc tế tại Đông Nam Á, dù phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các nền kinh tế đang nổi như Ấn Độ và Mexico. 

Ngoài ra, Đông Nam Á còn có những lợi thế để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng như nguồn lao động, năng lực sản xuất, nền tảng giáo dục tốt và nguồn cung các nguyên liệu chiến lược như nickel, đồng, thiếc, đất hiếm. Do đó, nếu khu vực này tận dụng các cơ hội mới, tăng cường hội nhập thương mại theo chiều dọc, đa dạng hóa mạng lưới cung ứng, cũng như tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị sẽ tạo ra những lực đẩy mới cho kinh tế Đông Nam Á.

Khu vực năng động nhất năm 2024 

Dựa trên báo cáo dự báo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, trong khi các nền kinh tế tiên tiến sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2024, thì các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều. IMF dự báo mức tăng trưởng 5,9% ở Philippines, 5% ở Indonesia, 4,7% ở Việt Nam, 2,7% ở Thái Lan và 4% ở Malaysia. Do đó, Đông Nam Á vẫn được đánh giá là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới năm 2024.

Cụ thể, tại Singapore được dự báo sẽ thoát khỏi tình trạng trì trệ mà nước này phải gánh chịu trong năm 2023, và tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn vào năm 2024.  Chính phủ dự báo mức tăng trưởng của nước này vào năm 2024 sẽ đạt từ 1 - 3%, nhờ kỳ vọng vào nhu cầu điện tử toàn cầu sẽ phục hồi - một lĩnh vực then chốt của Singapore. Thư ký thường trực của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Gabriel Lim cho biết, trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ chậm lại hơn nữa do các điều kiện tài chính tiếp tục bị thắt chặt.

Bên cạnh đó, khi Mỹ đưa ra Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS và Khoa học, kèm theo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã mở ra cánh cửa về công nghệ đến các nước Đông Nam Á. Các nhà sản xuất Mỹ đã dần chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, xuất khẩu công nghệ cao đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ, tính theo giá trị xuất khẩu.

Hiện nay, khu vực này đang thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty mong muốn thành lập cơ sở sản xuất chi phí thấp bên ngoài Trung Quốc. Theo Luxshare - Công ty công nghệ cao chuyên sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho các nhãn hàng điện thoại lớn, đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, bao gồm khoảng 500 triệu USD vào một nhà máy ở tỉnh Bắc Giang, sẽ tuyển dụng hàng chục nghìn công nhân.

Ngược lại, động lực chính của nền kinh tế Indonesia sẽ là nhu cầu trong nước. Trong khi Việt Nam có tỷ lệ thương mại trên GDP là 200% thì ở Indonesia chỉ là 35%. Vì vậy, nếu Indonesia muốn đạt được mục tiêu trở thành một cường quốc kinh tế, thì quốc gia này cần phải tự do hóa. 

Tại Thái Lan, Tổng Giám đốc Pornchai Thiraveja, Văn phòng Chính sách tài chính Thái Lan (FPO) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này xuống 2,7% trong năm 2023 và 3,2% vào năm 2024. FPO cho biết, dự báo tăng trưởng trong năm tới không bao gồm tác động của các biện pháp kích thích của Chính phủ, chẳng hạn như chương trình ví kỹ thuật số 10.000 baht của Thái Lan. Ông Pornchai Thiraveja cho biết, ngành du lịch và nhu cầu trong nước đặc biệt là tiêu dùng tư nhân là động lực hàng đầu của nền kinh tế đất nước. Theo FPO, lượng khách nước ngoài đến trong năm 2023 là 27,7 triệu, tăng 148% so với năm 2022.

Hơn nữa, giá trị xuất khẩu hàng hóa tính bằng đô la Mỹ dự kiến sẽ giảm 1,8% so với mức giảm 0,8% được dự đoán vào tháng 7, do nhu cầu giữa các đối tác thương mại lớn của đất nước giảm. Ngoài ra, tiêu dùng công dự kiến sẽ giảm 3,4%, trong khi đầu tư công dự kiến sẽ không thay đổi từ năm 2022, một phần do ngân sách chi tiêu tài chính 2024 bị trì hoãn.

Cũng như Thái Lan, Malaysia đã trải qua những biến động chính trị đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tăng trưởng ở Malaysia đang tăng tốc và dự kiến sẽ đạt mục tiêu 4% trong năm nay, nhờ chi tiêu nội địa mạnh mẽ, cải thiện điều kiện thị trường lao động, cũng như chi tiêu du lịch tăng lên. Chính phủ nước này kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng từ 4 - 5% vào năm 2024. Dự báo chu kỳ công nghệ sẽ khởi sắc vào năm tới, thúc đẩy lĩnh vực điện tử, trong đó riêng ngành bán dẫn chiếm khoảng 7% GDP.

Điểm đến hấp dẫn cho chuyển đổi số và kinh tế số

Bên cạnh đó, Đông Nam Á cũng được biết đến với thị trường di động sôi động và chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng và đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng đáng kể về số lượng người dùng điện thoại thông minh và mức độ thâm nhập internet. Tỷ lệ thâm nhập internet của Đông Nam Á đã tăng vọt, đạt hơn 70% dân số vào đầu năm 2023. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi việc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh, cùng với những cải tiến về cơ sở hạ tầng internet. Với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 5% vào năm 2024, Đông Nam Á sẽ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Các nhà đầu tư công nghệ sẽ còn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong những năm tới, thúc đẩy một môi trường giúp các công ty khởi nghiệp đột phá phát triển, củng cố hệ sinh thái kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á. Sự nổi lên của truyền thông xã hội và nền tảng kỹ thuật số ở Đông Nam Á mang đến cơ hội lớn cho các công ty Mỹ kết nối và tương tác với người tiêu dùng. Với hơn 400 triệu người dùng mạng xã hội đang hoạt động trong khu vực, việc tận dụng các nền tảng này có thể nâng cao đáng kể khả năng hiển thị thương hiệu và thúc đẩy việc thu hút khách hàng.

Hiện nay, có rất nhiều các công ty Mỹ tích cực thâm nhập vào thị trường kỹ thuật số ở Đông Nam Á, và đã có nhiều minh chứng cho tiềm năng này. Theo đó, một nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến có trụ sở tại Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người đăng ký, trong đó khu vực Đông Nam Á chiếm tỷ lệ đáng kể. Thêm vào đó, một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số nổi tiếng cũng đã mở rộng hoạt động trong khu vực, khối lượng giao dịch tăng vọt với mức tăng trưởng hàng năm vượt 150%. 

Nhìn chung, hầu hết các nước ASEAN sẽ có thêm một năm tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những khó khăn đang diễn ra trên toàn cầu. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, tăng trưởng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm do chính sách tiền tệ được nới lỏng từ các nền kinh tế tiên tiến. Đó sẽ là cơ sở để tin tưởng và hy vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn trong năm 2024.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn