Đông Nam Á muốn dùng thêm đồng Nhân dân tệ và Yên để giảm sự thống trị của đồng USD
Một nguồn tin của Chính phủ Nhật nhấn mạnh rằng: “Đồng Yên chắc chắn sẽ được chấp thuận trước đồng Nhân dân tệ nếu các đồng tiền châu Á được bổ sung vào sáng kiến Chiềng Mai”.
Các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cả Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc đang cân nhắc bổ sung thêm đồng Nhân dân tệ và đồng Yên vào hợp đồng hoán đổi tiền tệ đa phương để cố gắng làm giảm sự thống trị của đồng USD trong khung hợp đồng hoán đổi hiện nay.
Theo Nikkei, trong ngày thứ Năm, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước từ các nước kể trên đã đồng ý củng cố thêm cho khung hợp tác hoán đổi tiền tệ khi mà xuất hiện ngày một nhiều nỗi lo về khả năng nhóm nền kinh tế mới nổi đang ngập tiền đầu cơ do chính sách điều chỉnh trên khắp thế giới. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nhóm ba nước trên được biết đến với cái tên ASEAN + 3.
Trong tuyên bố chung của các nước, hoạt động đóng góp tiền địa phương có thể coi như một lựa chọn tốt hơn, điều này dọn đường cho việc bổ sung thêm đồng Nhân dân tệ và đồng Yên Nhật vào hợp đồng hoán đổi tiền tệ.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso nói trong cuộc họp báo rằng các nước cần phải nhận được sự hỗ trợ đủ nhiều để được chọn đồng tiền mà họ muốn.
Cho đến nay, Trung Quốc đã rất tích cực trong việc vận động sử dụng đồng Nhân dân tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Chen Yulu, khẳng định rằng việc cho thêm đồng tiền của các nước trong khu vực vào hợp đồng hoán đổi tiền tệ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của việc quá phụ thuộc vào duy chỉ một loại tiền tệ.
Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng chia sẻ nguyện vọng muốn giảm đi rủi ro ngoại hối với đồng USD đồng thời sử dụng thêm nhiều đồng tiền nội địa. Hai nước chủ tịch luân phiên của ASEAN bao gồm Thái Lan và Indonesia, đồng thời cũng là hai nền kinh tế lớn trong khu vực, đã vận động tăng cường sử dụng việc sử dụng các đồng tiền châu Á cùng với Trung Quốc.
Sáng kiến Chiềng Mai được đưa ra vào năm 2000 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 nhằm vực dậy một số đồng tiền đang suy yếu bằng cách cho phép các quốc gia hoán đổi tiền địa phương lấy đồng USD nhằm ngăn tình trạng vốn tháo chạy. Quy mô của hợp đồng hoán đổi kiểu này được tăng lên mức 240 tỷ USD vào năm 2014.
Theo nguồn tin của chính phủ Nhật, dù rằng hợp đồng hoán đổi chưa bao giờ được sử dụng, thế nhưng nó hoàn toàn cần thiết bởi nó giúp mang đến yếu tố bảo hiểm quan trọng. Trung Quốc sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc tự do hóa thị trường ngoại hối nếu muốn đồng Nhân dân tệ được chấp thuận trong hoạt động hoán đổi tiền tệ.
Một nguồn tin của chính phủ Nhật nhấn mạnh rằng: “Đồng Yên chắc chắn sẽ được chấp thuận trước đồng Nhân dân tệ nếu các đồng tiền châu Á được bổ sung vào sáng kiến Chiềng Mai, lý do đơn giản bởi đồng tiền này dễ hoán đổi hơn”.